Biến bất lợi thành lợi thế để phát triển trung du, miền núi Bắc Bộ

Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 09/06/2021

Tại Hà Nội, ngày 8-6, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TƯ, ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất với Ban Chỉ đạo nhiều nội dung để tổ chức tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TƯ một cách toàn diện, sâu sắc.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TƯ và Kết luận số 26-KL/TƯ ngày 2-8-2012 nhằm phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Để triển khai Nghị quyết, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành một số cơ chế, chính sách ưu tiên và dành nguồn lực để đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn thông qua các quy hoạch, kế hoạch và các chương trình mục tiêu, dự án quốc gia… Vì vậy, sau 17 năm (2004-2020) thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TƯ, phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhiều điểm nghẽn, hạn chế dần được khơi thông; lợi thế trong nhiều ngành, lĩnh vực được phát huy; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vùng trung du, miền núi Bắc Bộ vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Vì vậy, kết quả tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TƯ sẽ là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo và Ban Kinh tế Trung ương tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra các định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí Trần Tuấn Anh yêu cầu, các cơ quan, ban, ngành, các địa phương trong quá trình tổng kết cần đi sâu, bổ sung, làm rõ những lợi thế, thách thức mà Nghị quyết số 37-NQ/TƯ chưa đề cập đến, nhất là trong bối cảnh mới; phát hiện các nguồn lực, nhân tố mới cần mở rộng nghiên cứu, làm rõ, đặc biệt trong mối liên hệ với Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các nghị quyết chuyên đề liên quan; trên cơ sở đó, đề xuất trúng và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng, các địa phương trong vùng, biến các điều kiện bất lợi trở thành lợi thế trong phát triển…

TTXVN