Doanh nghiệp vận tải hành khách điêu đứng do lượng khách sụt giảm
Kinh tế - Ngày đăng : 10:53, 09/06/2021
Theo ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch HAPTA, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp đã khiến các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng nói riêng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Sản lượng hành khách sụt giảm, lượt xe giảm, trong khi vẫn phải duy trì nhiều hoạt động.
Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội, HAPTA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chính phủ cho các doanh nghiệp vận tải khách công cộng được ngừng đóng (không phải đóng) bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021; miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2021; đề nghị Chính phủ gia hạn thời gian thực hiện lắp camera để Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị kỹ hơn về các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, thời điểm thực hiện cho khả thi do việc trang bị, lắp camera nhiều doanh nghiệp vận tải đã chủ động tự đầu tư, trang bị, nay nếu phải thay đổi sẽ rất lãng phí, nhất là 2 năm gần đây, dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp kiệt quệ.
Thông tin thêm về tình trạng sụt giảm hành khách do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, nhu cầu đi lại của hành khách bằng xe buýt đã giảm xuống từ sau khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư xuất hiện tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố.
Số liệu thống kê cho thấy, sản lượng hành khách đi xe buýt trợ giá trong tháng 5-2021 chỉ đạt 14,5 triệu lượt hành khách (giảm 37,9% so với sản lượng tháng 4-2021 và giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2020). Trước tình hình đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phải thực hiện giảm tần suất và lượt phương tiện hoạt động trên 118 tuyến buýt có trợ giá trên mạng lưới xe buýt Thủ đô...