Góp phần giữ đà tăng trưởng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:14, 10/06/2021
Về kết quả trên, có nhiều nguyên nhân để lý giải. Đó là, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương phải thực hiện giãn cách, phong tỏa khiến tiến độ thi công, giải ngân bị ảnh hưởng; giá vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng, cũng gây ra không ít khó khăn cho nhà thầu. Bên cạnh đó là những vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng cũng đã tác động đến kế hoạch giải ngân… Song, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công dịp đầu năm vẫn là "căn bệnh" khó chữa với nhiều ngành, địa phương; bởi trên thực tế, trong bối cảnh khó khăn chung, có những địa phương tỷ lệ giải ngân đạt mức cao, lên tới 73,74%.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ công tác này. Ngay từ bây giờ, cần nghiêm túc triển khai Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 23-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại, sợ trách nhiệm trong giải ngân. Đặc biệt cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các bộ, ngành, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành, địa phương, các dự án có khả năng tốt hơn…
Muốn triển khai các dự án đầu tư công hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, tránh tâm lý chủ quan, tận dụng thời gian để tăng tốc thực hiện dự án; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án quan trọng, cấp thiết; không để xảy ra tình trạng dự án đã có quyết định đầu tư, bố trí vốn, nhưng chậm triển khai do vướng mắc về mặt bằng, quy hoạch...
Kinh nghiệm từ những bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao là ban quản lý dự án tăng cường làm việc, chia sẻ thông tin, bàn biện pháp giải quyết các vấn đề nảy sinh với cơ quan chức năng, chính quyền nhằm đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, lãnh đạo cơ quan quản lý thường xuyên giao ban với chủ đầu tư, kiểm tra hiện trường, lập tổ công tác chuyên trách giải quyết những vướng mắc. Thậm chí, lãnh đạo UBND cấp tỉnh trực tiếp làm tổ trưởng tổ công tác để xử lý ngay công việc phát sinh.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhưng cũng phải chú trọng đến nguồn vốn phải được sử dụng hiệu quả. Các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công để kịp thời ngăn chặn những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm và kịp thời các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết… Qua đó bảo đảm dự án đầu tư công đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Đối với các chủ đầu tư và nhà thầu phải nâng cao năng lực, tăng cường nhân lực, máy móc, trang thiết bị, sớm hoàn thành các dự án...
Quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công không chỉ nhằm mục tiêu đưa các dự án về đích đúng hẹn mà còn góp phần giữ đà tăng trưởng kinh tế trong đại dịch Covid-19.