Quỹ vắc xin phòng Covid-19 giúp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sớm ổn định sản xuất

Đời sống - Ngày đăng : 17:51, 10/06/2021

(HNMO) - Đây là khẳng định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trước thông tin Chính phủ Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài đóng góp cho Quỹ vắc xin phòng Covid-19, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, chiều 10-6.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

Cụ thể, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: "Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch bệnh. Việt Nam xác định mục tiêu sớm tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân, nhằm đạt được sự miễn dịch cộng đồng, coi đây là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định, có tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch Covid-19.

Để thực hiện mục tiêu này, mới đây Quốc hội quyết định sử dụng khoảng 12.000 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc xin phòng dịch Covid-19. Đồng thời, Đảng và Nhà nước cũng xác định, sự đồng lòng, chia sẻ, trách nhiệm, cảm thông của nhân dân, khả năng huy động nguồn lực xã hội là nhân tố quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Trên tinh thần đó, ngày 26-5-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP và Quyết định số 779/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 cho nhân dân.

Cho đến nay, Quỹ vắc xin phòng Covid-19 đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, đóng góp tích cực, tự nguyện của các doanh nghiệp Việt Nam, đông đảo nhân dân và một số doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp, không kể ít hay nhiều và sẽ đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân và ổn định sản xuất của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài".

Trả lời đề nghị bình luận về chiến lược chia sẻ vắc xin Covid-19 của Hoa Kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Việt Nam hoan nghênh việc Hoa Kỳ công bố chiến lược chia sẻ vắc xin Covid-19 nhằm phân phối 25 triệu liều đầu tiên trên toàn thế giới, trong đó có các nước Đông Nam Á và Việt Nam. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, Việt Nam mong muốn các quốc gia và các tổ chức quốc tế nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tăng cường chia sẻ thông tin, công nghệ, tài chính, y tế, đặc biệt là vắc xin, để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này”.

Theo chiến lược nói trên, Washington dự định mua 500 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer để quyên góp cho các nước trên thế giới, nhằm đẩy mạnh chương trình tiêm chủng toàn cầu. Theo Reuters, số vắc xin này sẽ được gửi cho gần 100 quốc gia trong vòng hai năm tới thông qua Cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu (COVAX). Trong đó, 200 triệu liều được phân phối ngay trong năm nay và 300 triệu liều còn lại sẽ được gửi đến 92 quốc gia có thu nhập thấp hơn và Liên minh châu Phi (AU) trong nửa đầu năm 2022.

Trước thông tin Việt Nam phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với vắc xin do Trung Quốc sản xuất, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: “Ngày 3-6 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2763/QĐ-BYT 2021 về việc phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có phê duyệt vắc xin Covid-19 Vaccine (Vero Cell), Inactivated (tên khác là SARS-CoV-2 Vaccine (Vero Cell), Inactivate) do Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd của Trung Quốc sản xuất. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tìm kiếm các nguồn vắc xin để có thể đa dạng hóa nguồn cung, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin ở trong nước, tiến tới bao phủ tối đa các đối tượng được tiêm vắc xin, đạt 75% dân số như Chính phủ đề cập để đạt được miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường”.

Cũng trong khuôn khổ họp báo, trả lời đề nghị bình luận về thông tin Nhật Bản lên kế hoạch tặng 2 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 cho Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: “Trong thời gian qua, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã rất nỗ lực, tích cực tìm hiểu, trao đổi, đàm phán và vận động chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các hãng sản xuất và các nhà cung ứng trên thế giới để có thể mua, nhập và tiếp nhận viện trợ vắc xin. Cho đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 2,6 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 từ cơ chế COVAX và nhận được các cam kết viện trợ cung ứng từ một số quốc gia, tổ chức quốc tế và nhà sản xuất. Thông tin về các thỏa thuận mua, nhập, nhận viện trợ, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin sẽ được các cơ quan chức năng của Việt Nam cập nhật thường xuyên đến người dân cũng như các cơ quan báo chí”.

Nguyễn Thúc