Khẩn trương triển khai ngầm hóa lưới điện, viễn thông
Đời sống - Ngày đăng : 06:55, 11/06/2021
Đi trên các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh như: Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi thuộc địa bàn quận 1, người dân không còn nhìn thấy dây điện, cáp viễn thông giăng khắp nơi như trước. Đây chính là kết quả đáng ghi nhận của chương trình chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại, văn minh đang triển khai trên địa bàn. Chị Phan Hoài Lam, phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1) cho biết, đường phố không còn dây điện, cáp viễn thông giúp thành phố văn minh, hiện đại hơn.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, tại một số tuyến đường ở quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình… lưới điện và cáp viễn thông vẫn chưa được ngầm hóa, gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn trong phòng, chống cháy nổ. Từ thực tế này, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch ngầm hóa lưới điện, cáp viễn thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Theo đó, khối lượng thực hiện ngầm hóa lưới điện giai đoạn 2021-2025 là 500km lưới điện trung thế, 800km lưới điện hạ thế. Trong đó, khối lượng thực hiện ngầm hóa lưới điện bình quân hằng năm là 100km lưới điện trung thế, 160km lưới điện hạ thế.
Theo Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2025, ngầm hóa lưới điện trung thế trên toàn địa bàn thành phố phải đạt tỷ lệ 50-60%; trong đó, các quận nội thành đạt tỷ lệ ngầm hóa 80-90%. Thành phố sẽ tiếp tục ngầm hóa lưới điện hạ áp trên địa bàn để đến năm 2025 đạt tỷ lệ 35-40%; trong đó khu vực trung tâm thành phố đạt tỷ lệ 80%. Riêng trong năm 2021, thành phố sẽ thực hiện ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông tại các tuyến đường chính tại quận 1, quận 5...
Để thực hiện kế hoạch trên, UBND thành phố Hồ Chí Minh giao Tổng công ty Điện lực thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị chủ đầu tư công trình ngầm hóa cáp viễn thông, tổ chức phương án và giám sát thi công công trình nhằm bảo đảm tiến độ thi công và chuyên môn, kỹ thuật khi triển khai chung các công trình ngầm lưới điện và cáp viễn thông. Các đơn vị hạ tầng kỹ thuật khác (chiếu sáng công cộng, đèn tín hiệu giao thông, cấp, thoát nước, phòng cháy, chữa cháy...) tạo mọi điều kiện, hỗ trợ hướng dẫn các thủ tục, quy trình cần thiết để chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý của dự án hạ ngầm liên quan đến đơn vị mình nhằm nâng cao việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật ngầm.
Thành phố cũng giao Sở Giao thông - Vận tải thành phố có trách nhiệm công bố các tuyến đường cấm đào, kế hoạch xây dựng, sửa chữa nâng cấp các tuyến giao thông trong tháng 12 hằng năm để các đơn vị điện lực và viễn thông chủ động phối hợp điều chỉnh hướng tuyến, bố trí nguồn lực, xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống hạ tầng ngầm lưới điện và cáp viễn thông để triển khai thi công đồng bộ. Cơ quan này cũng chủ trì giải quyết hồ sơ chấp thuận xây dựng công trình và cấp phép đối với các dự án, công trình ngầm lưới điện kết hợp cáp viễn thông trong phạm vi đất dành cho đường bộ trên các tuyến đường quản lý theo đúng thời gian quy định.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, việc quản lý tập trung hệ thống công trình hạ tầng ngầm kỹ thuật đô thị sẽ góp phần giảm diện tích chiếm dụng đất của các công trình hạ tầng kỹ thuật, giảm diện tích hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp để tăng mảng xanh cho thành phố. “Thành phố ưu tiên thực hiện ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông tại các khu vực trung tâm thành phố, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, siêu thị, trung tâm thương mại và trên các tuyến đường trọng điểm, tuyến đường chính nối các quận nội thành và huyện ngoại thành. Kế hoạch bảo đảm xây dựng cơ sở hạ tầng ngầm lưới điện, cáp viễn thông của thành phố theo hướng hiện đại được thực hiện sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.