"Lợi ích kép" từ làm việc trực tuyến
Đời sống - Ngày đăng : 06:28, 12/06/2021
Kết nối dễ dàng, thuận lợi
Đã trải qua những ngày làm việc ở nhà trong năm 2020 nên đến đợt dịch Covid-19 thứ 4 đang diễn ra lần này, chị Đặng Thu Hằng, kế toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn STS Việt Nam (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) đã sẵn tâm thế giải quyết công việc trực tuyến. Dù không đến công ty, nhưng việc nhà và việc công ty vẫn được chị Hằng giải quyết ổn thỏa và bảo đảm hiệu quả. “Làm nghiệp vụ kế toán online (trực tuyến) rất thuận lợi bởi lâu nay cơ quan thuế đã áp dụng quy trình kê khai thuế qua mạng, hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử. Chỉ cần một máy tính cài đặt các phần mềm kế toán được kết nối mạng internet kèm một chữ ký số điện tử, tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ mà không phải đến công ty, hạn chế tiếp xúc trực tiếp để phòng dịch bệnh”, chị Hằng chia sẻ.
Tương tự, các nhân viên của Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) cũng được khuyến khích làm việc ở nhà để phòng, chống dịch Covid-19. Luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết: "Hệ thống cơ sở dữ liệu luật pháp quốc tế và trong nước đều đã được cập nhật lên các trang điện tử chuyên ngành nên thành viên của công ty dễ dàng kết nối, đăng nhập sử dụng. Việc ứng dụng công nghệ số, sử dụng các thiết bị liên lạc thông minh cũng hỗ trợ chúng tôi rất nhiều khi giải quyết công việc. Những trường hợp trước đây cần gặp mặt khách hàng được chuyển sang trao đổi trực tuyến qua các kênh video Zalo, video Messenger, meeting Zoom, Skype…".
Các cơ quan hành chính của thành phố cũng thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ nhiệm vụ chuyên môn trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh và yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử. Cuối tháng 5-2021, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản đề nghị các trưởng phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc rà soát công việc, có phương án bố trí luân phiên 30% công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tuyến (cho đến khi có thông báo mới). Trước đó, vào đầu tháng 3-2021, UBND huyện Đan Phượng trở thành địa phương đầu tiên của thành phố triển khai hệ thống phần mềm “Thông tin báo cáo, chỉ đạo điều hành” và “Tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp”, góp phần thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ văn bản giấy chuyển sang dữ liệu số với khả năng cập nhật kịp thời, chính xác, an toàn, hiệu quả, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Cú hích phát triển mạnh hơn
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra các xu hướng làm việc mới và bối cảnh đại dịch Covid-19 đã trở thành cú hích thúc đẩy làm việc trực tuyến phát triển nhanh hơn. Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Huy Dũng cho biết, từ khi có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, cộng đồng công nghệ đã chung tay cùng cả nước chống dịch bằng các giải pháp số. Công nghệ thông tin mang đến cho người dân các ứng dụng phòng, chống dịch và các giải pháp làm việc, học tập, khám chữa bệnh từ xa đáp ứng yêu cầu giãn cách, tiếp cận với xu hướng phát triển xã hội công nghệ số. Để góp phần cung cấp dịch vụ trực tuyến đến người dân ở mọi lúc, mọi nơi, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng phát triển hạ tầng, bảo đảm chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Theo Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp Nguyễn Hồng Thái, công ty sẵn sàng chấp hành yêu cầu phòng dịch cũng như chủ động đón bắt xu thế chuyển đổi số trong thời đại công nghệ 4.0. Tới đây, đơn vị sẽ nâng cấp đường truyền internet tốc độ cao nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, dịch vụ tới khách hàng. Còn Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, thời gian tới, huyện Đan Phượng tiếp tục xây dựng các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin như “Phòng họp không giấy tờ” nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong bộ máy chính quyền huyện, từng bước hình thành chính quyền điện tử, chính quyền số.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong thông tin, Sở đã yêu cầu trưởng các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành; khuyến khích làm việc trực tuyến. Sở cũng yêu cầu các đơn vị định kỳ trước 11h30 thứ sáu hằng tuần lập danh sách người làm việc trực tuyến và tại cơ quan để Phòng Tổ chức cán bộ tổng hợp, theo dõi chung, bảo đảm không đình trệ công việc...
Có thể nhận thấy, các cơ quan hành chính, doanh nghiệp hay mỗi cá nhân đang tiếp nhận và triển khai tốt phương thức làm việc từ xa. Tiếp tục hoàn thiện nền tảng số và kỹ năng giải quyết công việc trực tuyến đạt nhiều lợi ích, vừa là cách làm hiệu quả để góp phần phòng, chống dịch, vừa giúp hình thành xã hội số.