Định hình thói quen tiêu dùng mới

Kinh tế - Ngày đăng : 06:28, 13/06/2021

(HNM) - Sau 4 làn sóng dịch Covid-19, người tiêu dùng trong nước đã quen dần với việc mua sắm trực tuyến, tập trung vào các nhu yếu phẩm chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng. Với thói quen tiêu dùng mới này đòi hỏi các doanh nghiệp nỗ lực nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, tận dụng tối đa cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Lựa chọn hàng hóa và mua sắm trực tuyến đã trở thành xu hướng của người tiêu dùng hiện nay. Ảnh: Nguyễn Quang

Mua sắm trực tuyến phổ biến

Nếu những đợt dịch Covid-19 năm 2020, bà Vũ Thị Hằng (55 tuổi, ở quận Long Biên) còn khá bỡ ngỡ với hình thức đi chợ trực tuyến thì năm nay qua hướng dẫn của các con và bạn bè, bà đã có thể mua rau củ, thực phẩm trên mạng một cách thành thạo. Chỉ sau 15 phút "lướt" trên ứng dụng của các siêu thị hoặc của cửa hàng thực phẩm trên mạng xã hội Zalo, bà Hằng đã chọn được đầy đủ các mặt hàng cần thiết cho gia đình. "2-3 giờ sau khi đặt hàng, rau xanh, thịt, cá… được bọc sạch sẽ riêng từng loại và được nhân viên giao đến tận nhà", bà Hằng cho biết.

Đối với chị Lê Thu Hương (28 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm), việc mua sắm trực tuyến đã trở thành chuyện thường ngày. Với các mặt hàng thiết yếu, chị Hương chỉ việc chọn mua tại các siêu thị hay sàn thương mại điện tử uy tín kèm nhiều ưu đãi cùng mã giảm giá và thanh toán qua các ứng dụng một cách thuận tiện.

Từ thực tế kinh doanh, Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam Vũ Thị Minh Tú cho biết, trải qua các đợt dịch Covid-19, người dân đã quen mua nhu yếu phẩm qua các kênh trực tuyến, thay vì lo lắng tích trữ hàng hóa như trước đây. So với đợt dịch Covid-19 đầu tiên vào năm 2020, tại đợt dịch Covid-19 lần này sức mua mặt hàng tiêu dùng tại sàn thương mại điện tử Lazada đã tăng trưởng gấp 3 lần, riêng nhóm hàng tươi sống và đông lạnh tăng trưởng hơn 10 lần.

Có thể thấy, việc mua sắm trực tuyến đã thành thói quen của người tiêu dùng, kể cả lứa tuổi trung niên chứ không chỉ ở người trẻ như trước. Khảo sát mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho thấy, số người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tăng 25% trong năm qua, trong khi các kênh truyền thống như siêu thị, chợ và tạp hóa chỉ tăng lần lượt 7%, 3% và 6%. Các khảo sát cũng cho biết, người tiêu dùng ưu tiên chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe có chất lượng và nguồn gốc rõ ràng. Còn Sở Công Thương Hà Nội đánh giá, phương thức thương mại điện tử phát triển nhanh với mức tăng hơn 30%.

Chú trọng thị hiếu người tiêu dùng

Thực tế mua sắm tại các siêu thị cho thấy, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các nhóm hàng hóa thuộc nhu cầu cơ bản như các loại thực phẩm, sản phẩm vệ sinh và sản phẩm giúp tăng cường sức khỏe... Cùng với đó, nhu cầu sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng và xuất xứ rõ ràng của người tiêu dùng cũng tăng lên. Nắm bắt nhu cầu đó, các siêu thị đã tăng cường kết nối với nhà sản xuất để đa dạng hóa mặt hàng, nguồn cung trên cả thương mại điện tử.

Theo Giám đốc vận hành miền Bắc, hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ Khúc Tiến Hà, với việc kết nối với nhiều nhà cung cấp, VinMart và VinMart+ bảo đảm hàng hóa cung ứng liên tục, sản lượng dự phòng cho 3-6 tháng, trong đó tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm hơn 90%. Còn Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam Vũ Thị Minh Tú cho biết, khi mua sắm trực tuyến được định hình, Lazada đã nhanh chóng thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng cũng như các nhà bán hàng. Ngoài triển khai nhiều mã giảm giá, miễn phí giao hàng, Lazada liên tục mở rộng nguồn hàng và các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; thay đổi giao diện trang thương mại điện tử để người tiêu dùng lớn tuổi dễ dàng theo dõi, lựa chọn hàng hóa.

Thường xuyên cập nhật thị hiếu của người tiêu dùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thời trang K’sCloset Nguyễn Hải Yến nhận thấy, ngoài việc mua sắm trực tuyến, khách hàng còn tăng mua sắm trên các kênh livestream (phát hình trực tiếp). Vì thế, K’sCloset đã bổ sung người mẫu “nhí” để hấp dẫn người mua. Sau đó, đội ngũ nhân viên còn gọi điện tư vấn trực tiếp cho khách hàng trước khi sản phẩm được bán ra.

Việc chủ động chuyển đổi kinh doanh trước xu hướng tiêu dùng mới đã giúp doanh nghiệp vượt qua “bão” Covid-19 để ổn định sản xuất, kinh doanh. Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, các doanh nghiệp nên tận dụng xu hướng mua sắm trực tuyến để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, hình thành kênh tiêu thụ hàng hóa trực tuyến bên cạnh kênh tiêu thụ truyền thống. Ngoài chiến lược quảng cáo, tiếp thị và giá cả hợp lý, doanh nghiệp cần chú trọng hình thành chuỗi cung ứng, điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi.

“Kinh tế số đang giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp gần nhau hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí, góp phần để nền kinh tế phục hồi theo xu hướng mới với chất lượng ngày càng cao hơn”, ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong chiến lược phát triển thương mại nói chung, thương mại điện tử luôn được khuyến khích. Sở Công Thương đã tham mưu thành phố các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, phân phối triển khai khuyến mãi để thu hút ngày càng nhiều người mua sắm trực tuyến.

Lam Giang