Hỗ trợ doanh nghiệp vượt ''bão'' Covid-19

Kinh tế - Ngày đăng : 07:36, 13/06/2021

(HNM) - Xúc tiến thương mại trực tuyến đang là giải pháp tối ưu để doanh nghiệp tiếp cận thị trường và là “chìa khóa vàng” để vượt “bão” Covid-19. Hoạt động này sẽ là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ mới, hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp “vượt bão”. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh để làm rõ hơn vấn đề này.

Sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam tại hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa, tổ chức tháng 11-2020.

- Bà đánh giá thế nào về tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đối với kinh doanh, nhất là các hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp?

- Kênh giao thương truyền thống bị đóng băng nên các hoạt động xúc tiến thương mại cũng chỉ tổ chức và đẩy mạnh ở hình thức trực tuyến. Cho đến nay, mô hình xúc tiến thương mại trực tuyến đang phát huy hiệu quả cao trong đại dịch. Và thực tế cũng chứng minh, các doanh nghiệp thành công trong hoạt động xúc tiến thương mại là những doanh nghiệp nắm bắt nhanh sự thay đổi của thị trường xuất khẩu, sớm chuyển từ mô hình tham gia hội chợ trực tiếp sang trực tuyến (online), giao lưu trực tuyến với khách hàng, gặp mặt online giữa các doanh nghiệp, trao đổi những mẫu mã hình ảnh sản phẩm...

Tuy nhiên, việc triển khai xúc tiến thương mại trực tuyến vẫn còn nhiều hạn chế do nhiều rào cản về công nghệ. Mặt khác, khi tham gia giới thiệu sản phẩm chung trên sàn thương mại điện tử thì hiệu quả chưa như kỳ vọng. Mặc dù số người sử dụng điện thoại thông minh nhiều nhưng các doanh nghiệp, nhất là các hợp tác xã sử dụng công nghệ để bán hàng, marketing còn rất hạn chế. Họ chưa biết làm thế nào để phát sóng trực tiếp (livestream), làm phim, hay kết nối với người tiêu dùng. Do đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các sàn thương mại điện tử hỗ trợ đào tạo tập huấn cho họ tiếp cận được với cách thức kinh doanh hiện đại này.

- Tuy vẫn còn nhiều hạn chế, song kênh xúc tiến thương mại trực tuyến là giải pháp tối ưu trong bối cảnh hiện nay. Vậy làm thế nào để khắc phục những hạn chế này?

- Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã có thể tiếp cận với phương thức bán hàng trên các kênh thương mại điện tử là rất quan trọng. Hiện có nhiều sàn thương mại điện tử, như: Sendo, Voso, Lazada… đang tiêu thụ nông sản tốt. Tuy nhiên, do nông sản là các sản phẩm tươi nên việc bán trên các sàn thương mại điện tử cũng có nhiều khó khăn.

Việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử là câu chuyện độc lập về kinh doanh, hai bên phải có những thỏa thuận và bên bán phải đáp ứng được những kỹ năng nhất định, sản phẩm cũng phải đáp ứng các tiêu chí chất lượng, cơ quan chức năng chỉ là “bà mối” để hỗ trợ. Những việc cơ quan quản lý cần làm là quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên kênh thương mại điện tử tại thị trường trong và ngoài nước. Ở trong nước, cần đẩy mạnh kết nối đưa hàng nông sản lên các trang, như: Tự hào hàng Việt, Nông sản an toàn... Riêng trang Nông sản an toàn chúng tôi đã hỗ trợ 300 doanh nghiệp kết nối với Sendo và đang chờ họ lựa chọn sản phẩm để đưa lên tiêu thụ trên kênh này. Phấn đấu từ nay đến tháng 10-2021, HPA sẽ cùng Sendo chọn ra 10-15 sản phẩm đưa lên sàn để bán. Đồng thời, liên kết với trang Tự hào hàng Việt, Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… để quảng bá mạnh hàng Việt.

- Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, HPA sẽ triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp, thưa bà?

- Cùng với việc đẩy mạnh quảng bá tại thị trường trong nước, khi dịch Covid-19 được đẩy lùi, HPA sẽ tiến hành một loạt các sự kiện quảng bá cũng như đào tạo tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận được với cách thức kinh doanh hiện đại.

Vừa qua, HPA cũng đã kết nối với siêu thị Thanh Bình Jeune - siêu thị của Việt kiều khá lớn ở Paris (Pháp). Việc này đã được triển khai 2 năm, nhưng phần lớn là các sản phẩm đã chế biến. Cuối tháng 6-2021, HPA phối hợp với Tập đoàn Aeon tổ chức “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội” để quảng bá cho các sản phẩm của Hà Nội tại 300 điểm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng của Aeon trên khắp Nhật Bản.

Ngoài ra, hai kỳ hội chợ tại siêu thị Aeon Long Biên và Aeon Hà Đông theo đúng chương trình mà HPA đã ký kết với Aeon sẽ được triển khai khi dịch Covid-19 được khống chế. Mục tiêu của chương trình là quảng bá sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được hệ thống phân phối của Aeon. 

Năm nay, chúng tôi phấn đấu 20% trên số lượng gian hàng tham gia hội chợ là hàng thủ công mỹ nghệ làng nghề để đáp ứng nhu cầu của siêu thị Aeon. Chúng tôi sẽ chọn 200-300 trong số 1.000 sản phẩm OCOP tiêu biểu của Hà Nội để làm các chương trình quảng bá lớn nhằm mục đích giới thiệu cho người tiêu dùng Thủ đô, cùng các nhà thu mua của Aeon và các siêu thị khác khi đến sự kiện.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Thanh Hiền