Thước đo trách nhiệm và hiệu quả
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:30, 14/06/2021
Đây là những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 tổ chức ngày 4-6 vừa qua trong bối cảnh Biển Đông đón cơn bão đầu tiên (bão số 1) của năm với tên quốc tế là Choi-wan.
Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành một lần nữa cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ hướng về người dân, lấy người dân làm trung tâm trong mọi chủ trương, quyết sách, chương trình hành động...; đồng thời chỉ rõ trách nhiệm cũng như thước đo hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Công cuộc kiến tạo và xây dựng đất nước hàng nghìn năm lịch sử đã để lại cho thế hệ hôm nay những bài học lớn về phòng, chống thiên tai. Đặc biệt, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, thì không thể ứng phó theo kiểu “ơn trời mưa nắng” hay “đến hẹn lại lên”. Năng lực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phải được nâng tầm để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.
Mỗi năm, dải đất hình chữ S của chúng ta lại phải đối mặt với rất nhiều cơn bão, trận mưa lớn gây thiệt hại về người và tài sản. Thống kê cho thấy, riêng năm 2020 đã có tới 576 đợt thiên tai, 265 trận giông lốc, mưa lớn ập đến nước ta làm chết và mất tích 357 người, gây thiệt hại kinh tế gần 40.000 tỷ đồng… Con số này chỉ là "phần nổi" về thiệt hại do thiên tai gây ra, còn những mất mát, hệ lụy kéo dài trong mỗi gia đình, mỗi cộng đồng không thể đo đếm được.
Thực tế, năng lực dự báo của cơ quan chuyên môn cũng như khả năng ứng phó với thiên tai của cả cộng đồng ở thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều vấn đề rất đáng lo ngại. Cơ quan khí tượng thủy văn chỉ có thể cảnh báo bão trước 5 ngày, áp thấp nhiệt đới trước 3 ngày, dự báo mưa lớn trên diện rộng trước 2-3 ngày với độ tin cậy trên 75%... Chúng ta chưa dự báo được lũ quét, sạt lở đất mà chỉ có thể cảnh báo nguy cơ xảy ra ở một vùng, một khu vực. Lo ngại hơn là công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có lúc, có nơi chưa được kịp thời, còn lúng túng, bị động, thiếu toàn diện, trách nhiệm chưa cao, chưa rõ ràng…
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân, nếu không có biện pháp hữu hiệu để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra thì hệ lụy từ tác động kép (thiên tai - dịch bệnh) sẽ rất khó lường!... Do đó, các cơ quan chức năng, với trách nhiệm của mình, cần thể hiện bằng những việc làm cụ thể trong nghiên cứu, theo dõi, giám sát thiên tai, qua đó dự báo, cảnh báo một cách kịp thời, chính xác để cộng đồng cư dân chủ động trong công tác phòng, tránh, ứng phó. Còn với chính quyền địa phương là việc xử lý dứt điểm các vi phạm tồn đọng, bảo đảm an toàn cho công trình trọng điểm về đê điều, nhất là các tuyến đê xung yếu, các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển... Đây là những vấn đề vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính lâu dài và cũng là thước đo cho kết quả hoạt động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, trong năm 2021, Việt Nam sẽ hứng chịu từ 5 đến 7 cơn bão. Và như vậy, các địa phương sẽ phải tính toán đến kịch bản vừa “gồng mình” ứng phó với thiên tai, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19. Đây sẽ là một thách thức lớn. Chỉ khi người đứng đầu chính quyền các cấp “lấy sự an toàn của người dân làm thước đo cho kết quả hoạt động của phòng, chống thiên tai” và cộng đồng cư dân chung sức đồng lòng cùng các cấp chính quyền triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp, qua đó gia tăng năng lực ứng phó thì mới có thể hạn chế tác động của thiên tai đối với đời sống cộng đồng.
Thực tế đã chứng minh, ở đâu người đứng đầu quan tâm tới công tác phòng, chống thiên tai thì ở đó luôn chủ động ứng phó hiệu quả với thiên tai, thiệt hại được hạn chế thấp hơn. Trong công tác phòng, chống thiên tai, vai trò của người đứng đầu phải sâu sát, cụ thể, triệt để thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Từ đó lan tỏa đến các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và mỗi người dân luôn đề cao ý thức chủ động phòng ngừa.
Năng lực phòng, chống thiên tai cần được xem là thước đo hiệu quả công việc, thước đo trách nhiệm của lãnh đạo mỗi địa phương, đơn vị trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay!