Công nghệ phải phục vụ cộng đồng
Xe++ - Ngày đăng : 15:42, 14/06/2021
Theo đó, hiện chống dịch Covid-19 đã chuyển từ phòng ngự là chính sang tấn công là chính; việc tấn công ở cả 3 mũi: Xét nghiệm chủ động ngay cả khi chưa có dịch và xét nghiệm nhanh; chuyển từ khuyến khích sử dụng sang bắt buộc sử dụng đối với một số công nghệ chủ chốt; vắc xin là đòn tấn công mang tính quyết định. Phương châm hành động từ "5K + vắc xin" thành "5K + vắc xin + công nghệ".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ quan trọng là phải ứng dụng trước khi có dịch, vì nó như là người "gác đêm" để bảo vệ người dân, để khi dịch bùng phát chúng ta đã có dữ liệu để phát hiện nhanh những người tiếp xúc gần, không phải cách ly diện rộng.
Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông phải cùng hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế tuyên truyền để người dân hiểu việc ứng dụng công nghệ là yếu tố bảo đảm phòng, chống dịch thành công. Công nghệ phải được ứng dụng trong các khâu khai báo y tế, nhập cảnh, xét nghiệm, truy vết, cách ly, tiêm vắc xin; thậm chí là các giải pháp công nghệ đo lường, cảnh báo về môi trường làm việc thông thoáng, giảm nguy cơ lây nhiễm. Cùng với đó, cần tăng cường thuyết phục cho người dân hiểu và tự giác dùng, không lạm dụng các biện pháp hành chính.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh, công nghệ thì nhiều nhưng không được gây rối cho người dân, tức là phải tích hợp lại qua một cổng duy nhất, ngươi dân chỉ phải thực hiện một lần. Việc thành lập Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 cũng nhằm mục đích đó. Công nghệ phải mang lại lợi ích cho người dân, cho cộng đồng và giá trị mang lại phải lớn hơn chi phí bỏ ra. Công nghệ không phải một khoản đầu tư để lợi dụng, không phải một khoản chi phí tăng thêm cho ngân sách, cho doanh nghiệp hay tổ chức, mà công nghệ phải tạo ra giá trị tăng thêm.