Ngân hàng nỗ lực duy trì lãi suất thấp: Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp
Tài chính - Ngày đăng : 06:07, 15/06/2021
Trông chờ gói tín dụng ưu đãi
Mặt bằng lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm lại đây. Nếu so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19, lãi suất cho vay đang thấp hơn khoảng 1,5-2%/năm.
Cụ thể, ở khối các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, lãi suất cho vay bằng VND phổ biến ở mức 5-6%/năm ngắn hạn và 7-8%/năm trung - dài hạn. Còn ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, mức lãi suất cho vay cao hơn một chút, song các ngân hàng này luôn có chính sách ưu đãi dành riêng cho các nhóm khách hàng tiềm năng.
Mặt bằng lãi suất cho vay thấp được duy trì kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 đầu năm 2020 đến nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp đang kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục giảm thêm.
Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Hải Hà (quận Nam Từ Liêm) Đặng Xuân Phi cho biết, doanh nghiệp đang vay ngân hàng với lãi suất 8%/năm. Nếu mức lãi giảm 1-1,5% sẽ giảm đáng kể gánh nặng tài chính, tiếp sức cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Cùng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy vi tính Liên Sơn (thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Thái Linh cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề, doanh nghiệp trông chờ ngân hàng sẽ có thêm các gói tín dụng ưu đãi dành cho từng đối tượng khách hàng.
Về vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu tại Hà Nội chia sẻ, hiện lãi suất doanh nghiệp vay trong đầu năm 2021 khoảng 6,9%/năm, nhưng chỉ kéo dài đến cuối năm 2021. Trong khi đó, dịch bệnh chưa biết bao giờ mới được kiểm soát hoàn toàn. Kể cả khi hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định thì doanh nghiệp cũng phải mất thêm ít nhất một năm hồi phục mới bắt đầu trả dần nợ gốc và lãi ngân hàng. Vì thế, lãi suất thấp trong ngắn hạn chưa đủ để hỗ trợ doanh nghiệp hồi sức.
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), các ngân hàng có thể tiết giảm một số chi phí để giữ lãi suất ở mức hợp lý, từ đó thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp. Song, để cắt giảm được chi phí còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nếu chi phí vốn của ngân hàng giảm, ổn định được lãi suất huy động thì khả năng giảm thêm lãi suất cho vay sẽ rộng hơn.
Tạo điều kiện giảm chi phí vốn
Gần đây, một số ngân hàng tăng lãi suất huy động đã khiến nhiều doanh nghiệp không khỏi lo ngại về khả năng lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, trên thực tế, lãi suất tăng chỉ xảy ra ở một vài ngân hàng và được áp dụng với kỳ hạn dài, cho khoản tiền lớn - từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng. Đại diện các ngân hàng đều khẳng định sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí, lợi nhuận để có thể giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Chẳng hạn như với doanh nghiệp ngành Dược - Y tế, Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB) đã dành nguồn tín dụng lớn với lãi suất ưu đãi cùng gói giải pháp tài chính chuyên biệt. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được cung cấp dịch vụ bảo lãnh dự thầu với tỷ lệ ký quỹ 0%; miễn 100% các loại phí quản lý tài khoản, giảm tới 50% phí tài trợ thương mại…
Với Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, từ nay đến hết ngày 31-5-2022, VietinBank có chương trình ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu về tỷ giá, phí tài trợ thương mại, thanh toán quốc tế và miễn nhiều loại phí khi mở tài khoản thanh toán. “VietinBank sẵn sàng giảm lợi nhuận, chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Lê Đức Thọ khẳng định.
Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có gói tín dụng ngắn hạn lãi suất ưu đãi với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh xuất, nhập khẩu. Mức lãi suất mà BIDV áp dụng là 3,8% và 6,5%/năm cho kỳ hạn 3-9 tháng… Còn Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) giảm 0,5-1%/năm lãi suất đối với các khoản vay mới; miễn, giảm phí giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng, giao dịch thanh toán trực tuyến…
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước vẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới... Đặc biệt, các đơn vị tiếp tục cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng. Từng tổ chức tín dụng căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ...
“Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế; điều hành tín dụng phù hợp theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh…”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.