Nhiều nghị quyết tác động trực tiếp tới đời sống người dân
Chính trị - Ngày đăng : 09:45, 15/06/2021
Một trong những nghị quyết tác động mạnh đến đời sống của người dân là Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”.
Theo Phó Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Hoàng Thị Thúy Hằng, triển khai thực hiện nghị quyết, thành phố đã giải quyết được 63 điểm ùn tắc giao thông; tai nạn giao thông liên tục giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Vận tải hành khách công cộng cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đến nay, toàn thành phố đã phủ khắp các tuyến xe buýt ở 30/30 quận, huyện, thị xã và phục vụ đến các xã, phường, thị trấn, bệnh viện, trường học, khu công nghiệp...
Để cải thiện môi trường sinh thái, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề để tổ chức thực hiện và thu được những kết quả rõ nét. Đến nay, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 100% tại đô thị và xấp xỉ 100% tại nông thôn; tỷ lệ khu công nghiệp và khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý xấp xỉ 100%. Việc kiểm soát chất lượng không khí tại các khu vực trên địa bàn thành phố được thực hiện liên tục, nhằm cảnh báo cho người dân trước nguy cơ gây ô nhiễm…
Nói về hiệu quả kinh tế - xã hội mà các nghị quyết của HĐND thành phố liên quan đến công tác bảo vệ môi trường đem lại, ông Nguyễn Tuấn Vang ở xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức) cho hay, Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà tại xã Dương Liễu được Nhà nước đầu tư, đi vào hoạt động ổn định đã góp phần giải quyết trực tiếp vấn đề nước thải làng nghề và nước thải sinh hoạt trên địa bàn các xã: Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai trong huyện. Nước thải sau xử lý được tái sử dụng để phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.
Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Bích Thủy cho rằng, lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy được HĐND thành phố rất quan tâm. Năm 2017, HĐND thành phố Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết quy định về xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Qua đó, đã chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu chung cư, tập thể, khu dân cư, nhà xưởng sản xuất; đồng thời răn đe, xử lý các hành vi vi phạm…
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Tuân, để các nghị quyết của HĐND thành phố đi vào đời sống, việc thẩm tra của các ban HĐND thành phố đối với các nội dung UBND thành phố trình được thực hiện kỹ lưỡng.
Các ban HĐND thành phố đều tham gia đóng góp ý kiến với các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố ngay từ quá trình xây dựng dự thảo. Nhiều nội dung các ban thẩm tra vừa trên cơ sở hồ sơ, vừa khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến của các đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của chính sách. Vì vậy, những nội dung trình ra kỳ họp HĐND thành phố đều được thông qua với tỷ lệ thống nhất cao, triển khai đi vào đời sống.
Kỳ họp thường kỳ giữa năm 2021 của HĐND thành phố Hà Nội dự kiến sẽ xem xét, ban hành 8 nghị quyết chuyên đề liên quan đến đời sống dân sinh như: Điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội; Đề án nghiên cứu, xây dựng khung cơ chế, chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, đây đều là các nghị quyết có tác động lớn đến đời sống của người dân. Hiện nay, các ban HĐND thành phố đang tích cực phối hợp thẩm tra và phản biện xã hội trước khi UBND thành phố trình HĐND thành phố tại kỳ họp tới.