Nâng cả lượng và chất

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 16/06/2021

(HNM) - Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường lao động ở Hà Nội đã có nhiều thay đổi tích cực cả về quy mô cũng như chất lượng nguồn nhân lực.

Là một trong những đầu tàu của nền kinh tế nên Hà Nội chú trọng phát triển và dành nhiều nguồn lực cho công tác đào tạo nghề.

Những con số so sánh trong khoảng thời gian 5 năm gần đây đã chứng minh cho sự thay đổi này. Nếu như năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 53,14%, thì đến năm 2020 con số này là 70,25%. Trong giai đoạn 2015-2020, nhờ số lao động qua đào tạo ngày càng gia tăng nên số người được giải quyết việc làm mới luôn vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, nhưng 5 tháng đầu năm nay, toàn thành phố vẫn có gần 79.000 người được tạo việc làm, đạt 49,1% kế hoạch cả năm.

Tuy nhiên, cũng từ tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã cho thấy, số lao động thủ công, lao động giản đơn mất việc làm trong dài hạn vẫn đang tăng; số lao động qua đào tạo, nhưng không có kỹ năng, tay nghề cao khó kiếm được việc làm. Điều này cũng phản ánh đúng thực tế khi số lao động qua đào tạo ở Hà Nội có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 48%. Nguồn nhân lực tay nghề, kỹ năng cao vẫn thiếu trầm trọng ở một số ngành nghề đang có xu hướng tăng trưởng như công nghệ thông tin, tự động hóa, điện tử…

Định hướng cho công tác đào tạo nghề, mới đây nhất, ngày 8-6-2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 142/KH-UBND về thực hiện “Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động thành phố Hà Nội đến năm 2030” với những mục tiêu rất cụ thể. Đây là cơ sở để các sở, ngành, địa phương cùng hoạch định hướng triển khai hiệu quả trong thời gian tới, khắc phục cho được "bài toán" lượng chưa đi đôi với chất của thị trường lao động Thủ đô hiện nay.

Các đơn vị, sở, ngành liên quan của thành phố cần xây dựng lộ trình để thực hiện kế hoạch trên sao cho hiệu quả và trong quá trình triển khai cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Thực tế, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, dự báo thị trường lao động và xu hướng việc làm mới… đều có quan hệ nhân - quả, nếu được tổ chức tốt và khoa học sẽ tạo ra thị trường lao động với cung - cầu phát triển hài hòa, cân đối.

Thực tế, trong rất nhiều vấn đề đặt ra cho thị trường lao động, yếu tố căn cốt nhất vẫn là công tác đào tạo nghề. Do đó, các cơ sở đào tạo nghề phải linh hoạt, bám sát đòi hỏi của thực tiễn, đào tạo được những người mà xã hội cần chứ không phải đào tạo theo giáo trình sẵn có. Nhà trường cũng cần “bắt tay” với doanh nghiệp để đào tạo người lao động theo đơn đặt hàng…

Để thực hiện nhiệm vụ này tốt hơn, hệ thống các trường, cơ sở đào tạo nghề của thành phố cần được quy hoạch, cơ cấu lại theo hướng chuyển đổi thành các trường nghề chất lượng cao. Đặc biệt, trong vòng xoáy mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ sở đào tạo nghề phải đổi mới tư duy, đầu tư công nghệ hiện đại; làm tốt hơn việc hợp tác quốc tế, nâng chuẩn đào tạo nghề theo tiêu chuẩn của thế giới.

Công tác đào tạo nghề đóng vai trò quyết định, song cũng sẽ không hiệu quả nếu thiếu vai trò định hướng, tư vấn nghề nghiệp của ngành Giáo dục và các bậc phụ huynh, làm sao khắc phục được tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” tồn tại suốt thời gian vừa qua.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên sẽ tạo ra thị trường lao động bảo đảm cả lượng và chất, từ đó góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng bền vững của kinh tế - xã hội Thủ đô.

Thiện Mỹ