Bảo vệ môi trường: Chung tay bằng những việc làm thiết thực

Công nghệ - Ngày đăng : 19:08, 16/06/2021

(HNNN) - Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm 2021 có chủ đề “Phục hồi Hệ sinh thái”. Điều đó cho thấy, đã đến lúc các quốc gia, mỗi người dân phải cùng chung tay với những hành động cụ thể, thiết thực mỗi ngày vì thiên nhiên, môi trường sống của chính chúng ta.

Hàng cây xanh trên đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Quang Thái

Báo động tình trạng ô nhiễm

Ô nhiễm môi trường là vấn đề “nóng” đã được đề cập từ lâu nhưng do những lợi ích khác nhau của các quốc gia, nhất là các nước phát triển, nên vẫn có những quan điểm khác nhau về bảo vệ môi trường. Việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là ví dụ điển hình. Có những quốc gia phát triển, nguồn phát thải các bon lớn nhưng đã lảng tránh trách nhiệm, không muốn đóng góp nhiều để cùng nhân loại ứng phó với biến đổi khí hậu. Trái đất nóng lên đã kéo theo những hệ quả không mong muốn, thiên tai, lũ lụt khốc liệt, khó lường hơn, bất thường hơn, diễn ra trên diện rộng.

Là một nước đang phát triển, nhu cầu sử dụng nguyên liệu phục vụ sản xuất rất lớn, nhưng Việt Nam đã tiên phong trong thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu với những chương trình, hành động hết sức thiết thực. Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm môi trường ở không ít nơi, nhất là tại các đô thị lớn luôn được đặt trong tình trạng báo động. Trước tình hình ô nhiễm không khí gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn, ngày 18-1-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, không khí, yêu cầu các địa phương, bộ, ngành khẩn trương có biện pháp kiểm soát nhằm bảo đảm sức khỏe người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí đã được chỉ rõ, là do bụi khí thải từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp... chưa được kiểm soát hiệu quả. Đó là diện tích cây xanh, mặt nước đô thị còn chưa đạt yêu cầu. Việc thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả.

Thực vậy, tại không ít các khu đô thị hiện nay, quy hoạch chưa gắn với vấn đề xử lý chất thải, xử lý nước thải... Hầu hết lượng nước thải bị nhiễm dầu mỡ, hóa chất tẩy rửa, hóa phẩm... chưa được xử lý đều đổ thẳng ra các sông, hồ. Rác thải không kịp vận chuyển, xử lý tập kết lộn xộn, gây ô nhiễm ngay tại mỗi khu dân cư. Cũng không khó bắt gặp phương tiện vận tải để rơi vãi đất, cát, vật liệu xây dựng xuống đường... Trong khi đó, việc xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp cũng là vấn đề đáng bàn, đặc biệt là tại những cụm công nghiệp nhỏ và vừa. Ô nhiễm làng nghề luôn ở mức báo động nhưng rất khó giải quyết rốt ráo.

Sản xuất nông nghiệp cũng gây tác động tiêu cực cho môi trường do việc sử dụng quá mức phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, do hiện tượng xả thải từ các cơ sở chăn nuôi... Chẳng nói đâu xa, những ngày vừa qua, người dân ngoại thành Hà Nội vẫn còn đốt rác, rơm rạ, gây khói bụi và làm ô nhiễm môi trường... Tất cả đã cộng hưởng, ảnh hưởng đến môi trường sống và “sức khỏe” hệ sinh thái.

Cùng hành động quyết liệt hơn

Công nhân Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội chăm sóc cây xanh mới trồng. Ảnh: Đặng Tú

Là quốc gia đang phát triển và đối mặt với rất nhiều khó khăn do ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính, Việt Nam đã tiên phong trong việc phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2030 và là một trong những nước tích cực thực hiện Thỏa thuận này. Mới đây, tại Chỉ thị 03/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao các tỉnh, thành phố đẩy mạnh thực hiện các chương trình, nhiệm vụ về quản lý chất lượng không khí; đặc biệt, thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá tình hình chấp hành quy định về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng...

Hà Nội là một thành phố lớn, có tốc độ đô thị hóa nhanh, lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, những năm qua Thành phố đã luôn nỗ lực và có những biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ môi trường. Ngày 4-7-2017, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND về việc thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với lộ trình và biện pháp thực hiện hết sức cụ thể. Các sở, ngành liên quan đã đề xuất nghiên cứu thí điểm việc đo khí thải và hỗ trợ đổi mô tô, xe máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố với mức 2 - 4 triệu đồng/xe. Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30-10-2019 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn thành phố cũng được các địa phương, người dân thực hiện khá nghiêm túc, đặc biệt là ở khu vực nội thành. Hình ảnh những bếp than tổ ong bốc khói trên vỉa hè, lòng đường đã giảm rõ rệt. Tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch dù vẫn còn nhưng cũng đã giảm đáng kể so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18-9-2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc “Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường Thành phố”. Đặc biệt, chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 - 2020 của thành phố đã về đích trước một năm, không chỉ tạo cảnh quan mà còn bổ sung kịp thời “sức mạnh” cho “lá phổi xanh”, góp phần cải thiện chất lượng không khí...

Công văn số 742/UBND-ĐT ngày 15-3-2021 về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm, khí thải do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông ký, khẳng định: “Căn cứ kết quả vận hành hệ thống quan trắc không khí tự động của thành phố, trong năm 2020, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố duy trì ở mức “Tốt”, “Trung bình” là chủ yếu, số ngày chất lượng không khí đạt mức “Tốt” ở mức 49%, “Kém” 8,8%, “Xấu” 2,2%, “Rất xấu” 0,3%...; xuất hiện 4 đợt ô nhiễm kéo dài từ 5 - 9 ngày (nồng độ bụi mịn PM2.5 >100µg/m3). So với năm 2019, chất lượng không khí tại thành phố đã có sự cải thiện đáng kể (trong năm 2019, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội chủ yếu đạt mức “Trung bình”. Số ngày chất lượng không khí đạt mức “Tốt” ở mức 9,6%, “Trung bình” hơn 67%, “Kém” 17%, “Xấu” 5,8%...; xuất hiện 5 đợt ô nhiễm kéo dài từ 6 - 10 ngày).”.

Đó thực sự là thông tin đáng mừng. Tuy nhiên, UBND thành phố tiếp tục yêu cầu các sở, ngành, địa phương tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm chất lượng môi trường sống. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp các quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thành chỉ tiêu loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố trong quý II/2021; cố gắng không để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ. Ngoài ra, Sở phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe gắn máy, mô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội; phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải tham mưu UBND Thành phố đề ra giải pháp kiểm soát khí thải từ giao thông, góp phần cải thiện chất lượng không khí. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, quán triệt tới từng xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường không khí; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn theo quy định, đồng thời tăng cường trồng cây xanh, rừng, tái tạo rừng tự nhiên; cải tạo các sân chơi công cộng, vườn hoa cây xanh, kè hồ để tạo khu vui chơi giải trí cho nhân dân cũng như góp phần cải thiện chất lượng không khí trong khu vực...

Các biện pháp đã rõ ràng, rất cần sự vào cuộc, hưởng ứng tích cực của mỗi người dân. Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, nhận thức và sự vào cuộc của người dân rất quan trọng, đặc biệt là việc bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy, các sản phẩm nhựa dùng một lần... Khi tất cả cùng hành động mỗi ngày, chất lượng môi trường sống sẽ được bảo đảm.

Mai Lâm