Dần khôi phục du lịch nội địa
Du lịch - Ngày đăng : 13:04, 16/06/2021
Nới lỏng các dịch vụ, hoạt động du lịch
Đầu tháng 6-2021, một số tỉnh, thành phố công bố mở cửa đón khách trở lại ngay khi dịch Covid-19 tại những địa phương này cơ bản được kiểm soát. Phần lớn các địa phương khuyến khích du lịch nội tỉnh, nội thành phố để bảo đảm kiểm soát việc an toàn phòng, chống dịch.
Cụ thể, từ 12h ngày 8-6, tỉnh Quảng Ninh cho phép một số loại hình kinh doanh hoạt động trở lại, trong đó, với du lịch chỉ cho phép đón khách nội tỉnh. Từ ngày 13-6, thành phố Hải Phòng cũng bắt đầu cho phép các khu, điểm du lịch được hoạt động trở lại nhưng chỉ phục vụ người đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Các cơ sở lưu trú chỉ phục vụ người lao động đến làm việc với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, không tiếp nhận người đến từ vùng dịch.
Tại các tỉnh miền Trung, hoạt động du lịch cũng được khởi động. Thành phố Đà Nẵng nới lỏng một số hoạt động từ ngày 9-6, đáng chú ý là dịch vụ tắm biển được hoạt động trở lại nhưng cấm tụ tập đông người. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho phép nhiều điểm tham quan, di tích đón khách nội tỉnh. Mới đây, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thông báo mở cửa đón khách tham quan kể từ ngày 11-6. Mặc dù, Trung tâm chưa tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật nhưng việc cho phép du khách tham quan các điểm thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đã mang nhiều tín hiệu tốt cho ngành Du lịch.
Theo ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, dù mở cửa đón khách nhưng đơn vị không hy vọng lượng khách có thể tăng ngay. "Nhưng việc mở cửa cho khách tham quan có thể giúp cho các nhân sự trong lĩnh vực du lịch có việc làm, cũng như tạo kết nối trong hoạt động du lịch", ông Võ Lê Nhật cho biết.
Xây dựng kịch bản để phục hồi
Đánh giá về động thái của các địa phương khi nới lỏng các hoạt động, trong đó có dịch vụ du lịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, với diễn biến dịch hiện nay và tâm lý người dân còn e ngại đi chơi xa thì việc đẩy mạnh du lịch nội tỉnh, nội thành để người dân có cơ hội trải nghiệm du lịch tại nơi mình sống là giải pháp cần thiết để khởi động hoạt động du lịch các địa phương, chuẩn bị cho những kịch bản phục hồi sau đó.
Là một người dân sống tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), anh Bùi Mạnh Tâm cho biết, hiện nay nhiều dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đang giảm giá sâu như: Tham quan bảo tàng Quảng Ninh giảm 50% vé vào cửa, Tổ hợp khu vui chơi giải trí Sunworld Hạ Long cũng bán giá "mềm" cho người dân trải nghiệm... Còn với chị Nguyễn Khánh Linh (sống tại Đà Nẵng), việc thành phố cho phép người dân và du khách tắm biển khiến nhiều người rất vui mừng. "Chúng tôi có cơ hội được cùng gia đình tắm biển và trải nghiệm nhiều dịch vụ du lịch ngay tại nơi mình sống, quả là điều tuyệt vời. Mọi người đều rất ý thức phòng, chống dịch như thực hiện nghiêm đeo khẩu trang, đứng giãn cách với những người khác", chị Nguyễn Khánh Linh nói.
Thời điểm này, bên cạnh việc tập trung du lịch nội tỉnh, nội thành phố, nhiều địa phương như Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng... cũng đã xây dựng kịch bản đón khách ngoại tỉnh khi dịch được kiểm soát. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh đang xây dựng các gói kích cầu mới, chương trình quảng bá phù hợp đến các thị trường khách. Tỉnh Quảng Ninh cũng lên phương án đẩy mạnh du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch biển để có thể triển khai mở rộng đón khách khi điều kiện cho phép.
Tại Hà Nội, thời điểm này, các điểm di tích vẫn tạm đóng cửa nhưng một số điểm du lịch, các khách sạn, dịch vụ trên địa bàn thành phố được phép hoạt động với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch theo quy định. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, khi dịch được kiểm soát và thành phố nới lỏng một số hoạt động thì ngành Du lịch Thủ đô vẫn chủ trương đẩy mạnh chương trình "Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội".
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ xây dựng các kịch bản để phục hồi khách nội địa, hướng tới việc đón khách quốc tế khi đủ điều kiện. "Việc phòng, chống dịch vẫn phải được đặt lên hàng đầu, vì thế, khi xây dựng kịch bản đón khách, tất cả các đơn vị kinh doanh như lữ hành, lưu trú, điểm đến, dịch vụ ăn uống phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch theo thông điệp 5K", bà Đặng Hương Giang nói.