Ra mắt trường ca về đề tài đi tìm đồng đội của nhà thơ Lữ Mai
Sách - Ngày đăng : 15:05, 16/06/2021
Đây là trường ca thứ hai của nhà thơ Lữ Mai sau "Ngang qua bình minh" ra mắt năm 2020, khắc họa hình tượng chiến sĩ hải quân. Tác giả Lữ Mai chia sẻ, trường ca "Chư Tan Kra mây trắng" lấy cảm hứng từ câu chuyện về "Trung đoàn mũ sắt" - tên gọi quen thuộc của Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312). Đây là lực lượng được tuyển chọn đặc biệt, nhiều chiến sĩ là người Hà Nội. Đơn vị bộ binh này tham gia đánh trận đầu tiên ở dãy núi Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum ngày 26-3-1968. Trong trận đánh này, các chiến sĩ chiến đấu quả cảm và nhiều người đã anh dũng hy sinh.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những người may mắn trở về đã bước sang tuổi bảy mươi, vẫn trăn trở về đồng đội còn nằm lại Chư Tan Kra. Vì thế, bắt đầu từ năm 2009, các cựu chiến binh đã mang theo nhiều tư liệu, quân trang, lương thực... để đi tìm hài cốt đồng đội. Những hành trình thầm lặng của họ đã giúp nhiều gia đình tìm được người thân.
Với dung lượng 152 trang, trường ca "Chư Tan Kra mây trắng" gồm 6 chương: "Giấc mơ vụn", "Đỉnh gió", "Bên kia đại dương", "Mẹ vẫn đợi con về", "Gửi hòa bình", "Mẹ", viết về thế hệ những chiến sĩ "Trung đoàn mũ sắt" đã chiến đấu quả cảm, hy sinh xương máu cho Tổ quốc và những người trở về đang sống và hành động đầy nghĩa tình. Tác phẩm còn xây dựng nguyên mẫu thế hệ trẻ là các phóng viên, biên tập viên chương trình "Đi tìm đồng đội" (Truyền hình Quốc phòng Việt Nam); khai thác góc nhìn của những người bên kia chiến tuyến trở lại chiến trường xưa, cùng các cựu chiến binh Việt Nam tìm hài cốt liệt sĩ; khai thác về tình mẫu tử, tình cảm của thân nhân các liệt sĩ...
Tác giả Lữ Mai cho biết, cuốn sách có sự đồng hành của các phóng viên, biên tập viên chương trình "Đi tìm đồng đội"; được cung cấp tư liệu, chuẩn hóa thông tin, chia sẻ, động viên từ các cựu chiến binh "Trung đoàn mũ sắt" năm xưa. Trường ca "Chư Tan Kra mây trắng" nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc, các cựu chiến binh và các thế hệ hôm nay vẫn không ngừng nghỉ tìm hài cốt liệt sĩ đưa về đất mẹ.