Quản lý đàn chó nuôi: Phải nghiêm túc, sát sao hơn!
Xã hội - Ngày đăng : 05:58, 17/06/2021
Hiện tượng buông lỏng quản lý
Theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 31-5-2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, chủ nuôi chó, mèo (gọi chung là chủ vật nuôi) nêu rõ phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Cùng với đó, xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. UBND cấp xã có trách nhiệm lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi...
Tuy nhiên, việc này chưa được triển khai hiệu quả. Theo báo cáo của các cơ quan chuyên ngành thú y và y tế của địa phương, chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 15 trường hợp người tử vong do bệnh dại tại 10 tỉnh, thành phố và trên 140.000 người phải đi điều trị dự phòng bệnh dại. Trên động vật, qua công tác giám sát, đã phát hiện 33 trường hợp chó, mèo có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút dại ở 6 tỉnh.
Tìm hiểu thực tế, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận tình trạng nuôi chó, mèo đến nay vẫn còn bị buông lỏng, người dân vẫn mua và nuôi mà không khai báo với chính quyền địa phương. Bà Phạm Thị Vượng ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết, do chỉ có 2 vợ chồng già ở với nhau, vừa qua, gia đình đã mua 2 con chó về nuôi với mục đích giữ nhà. “Từ nhiều năm nay, tôi vẫn nuôi chó nhưng chưa hề khai báo với chính quyền địa phương và cũng không tiêm phòng vì nghĩ đơn giản là nuôi giữ nhà, đến thời điểm nào đấy bán lấy tiền” - bà Vượng cho biết thêm. Còn theo bà Phùng Thị Hoa, ở phường Mộ Lao (quận Hà Đông), nhiều năm nay gia đình cũng nuôi chó cảnh, nhưng chưa hề khai báo với cơ quan thú y địa phương và cũng chưa bao giờ thấy có ai đến hỏi phải khai báo.
Nhận định về vấn đề này, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Oai Phạm Văn Tuấn cho biết, hiện trên địa bàn huyện việc nuôi chó chủ yếu để giữ nhà, và sử dụng làm thực phẩm. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa có ý thức trong việc khai báo về tổng đàn với cán bộ thú y cơ sở và tuân thủ các điều kiện về tiêm phòng vắc xin phòng chống bệnh dại. Chó vẫn được thả rông, không rọ mõm và phóng uế bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, tổng đàn chó, mèo của thành phố khoảng 421.000 - 493.000 con. Những năm gần đây, số người nuôi con vật làm cảnh trong gia đình (trong đó có chó, mèo) tăng khá nhanh, nhất là ở khu vực đô thị, các khu chung cư. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ chăn nuôi không chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quản lý chó nuôi và phòng, chống dịch bệnh... nên đã để xảy ra các trường hợp chó thả rông tấn công người hoặc nguy cơ lây nhiễm bệnh dại sang người gây tử vong.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua xuất hiện trào lưu nuôi các giống chó dữ và cũng đã có những vụ chó tấn công người (thậm chí cả chủ nuôi) gây thương tích nặng, thậm chí tử vong. Một số địa điểm công cộng, công viên, khu vui chơi giải trí... trở thành nơi cho chó, mèo phóng uế... gây mất mỹ quan đô thị và nguy hiểm tới người xung quanh.
Còn theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đã có nhiều vụ việc thương tâm liên quan tới chó dữ nuôi làm cảnh tấn công người. Nguyên nhân của việc này là công tác quản lý đàn chó tại một số địa phương còn lỏng lẻo, (nhất là cấp xã, phường), chưa thực hiện việc lập sổ theo dõi việc xuất, nhập chó, mèo tại các hộ chăn nuôi, chưa xử lý nghiêm hành vi thả rông chó làm ảnh hưởng môi trường hay những vụ chó tấn công người dân ở nơi công cộng.
Bên cạnh đó, nhiều hộ chăn nuôi nhận thức chưa đầy đủ về mức độ nguy hiểm của giống chó dữ và những giống chó có trọng lượng lớn có thể tấn công người, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, khiến dư luận bức xúc. Hoạt động buôn bán chó, mèo ở các tỉnh, việc nhập thú cưng từ nước ngoài chưa được quản lý chặt chẽ, ảnh hưởng không tốt đến công tác phòng, chống bệnh dại và việc bảo đảm mỹ quan đô thị. Việc tiêm phòng dại cho chó, mèo đạt tỷ lệ rất thấp (nhiều nơi đạt dưới 30%). Nhiều địa phương chưa thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại.
Tuyên truyền đi đôi với xử phạt
Để nâng cao ý thức cho người dân trong việc nuôi chó giữ nhà và làm cảnh, hạn chế những vụ việc đáng tiếc xảy ra, theo ông Hoàng Văn Dương - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ba Vì, quan trọng nhất là phải khai báo và kiểm soát chặt chẽ về số lượng. Được biết, hiện nay, tổng đàn chó trên địa bàn huyện Ba Vì là hơn 67.000 con. Huyện yêu cầu các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi sự biến động của đàn chó, mèo, tuyên truyền để các chủ hộ nhận thức được tầm quan trọng của việc khai báo với chính quyền địa phương khi nhập đàn nuôi mới; tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo phải đạt 100%, tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng đạt từ 70% trở lên.
Còn theo ông Trần Thế Anh, Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai), xã yêu cầu cán bộ thú y cơ sở theo dõi sát sao tổng đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn, xử lý nghiêm đối với những trường hợp thả rông chó và để chó phóng uế ra đường. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã về mức độ nguy hiểm của bệnh dại, yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc khai báo với chính quyền địa phương, tiêm phòng vắc xin dại, khi mang chó ra nơi công cộng phải có người dắt và có rọ mõm. Trường hợp để chó cắn, tấn công người khác gây thương tích, gây bệnh dại thì phải chịu mọi phí tổn đối với người bị chó cắn hoặc gây thương tích.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Sở đã yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện nghiêm các nội dung Quyết định 193/QĐ-TTg ngày 13-2-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên người giai đoạn 2017 - 2021, Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 6-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại.
Các quận, huyện cần tập trung chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc quản lý chó nuôi trên địa bàn, thống kê đàn chó, cập nhật thông tin và lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn, tổ chức tiêm phòng triệt để cho đàn chó mèo trong diện phải tiêm. Ngành Nông nghiệp phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức thông tin tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại động vật nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bệnh dại; phối hợp với ngành Y tế trong việc thông tin về dịch bệnh, xử lý ổ dịch; tập huấn phổ biến kiến thức cho nhân viên thú y, y tế cơ sở và người dân. Bên cạnh đó, cán bộ thú y cơ sở phải thực hiện tốt việc kiểm dịch, kiểm soát việc vận chuyển chó mèo, các điểm kinh doanh chó mèo, thịt chó mèo theo đúng quy định.
Để chủ động phòng, chống bệnh dại ở đàn chó mèo có hiệu quả, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, ngày 18-5-2021, Bộ NN&PTNT đã có Chỉ thị số 2894/CT-BNN-TY về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý chó nuôi và phòng chống bệnh dại ở động vật. Theo đó, các tỉnh, thành phố phải tổ chức rà soát, thống kê, quản lý đàn chó, theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dại trên đàn chó, nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó với cộng đồng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về nuôi chó và tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi. Một giải pháp khác là cần có hình thức khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Việc nuôi chó giữ nhà hay làm cảnh là do ý thích của mỗi người, nhưng cần có biện pháp để ngăn chặn những sự việc đáng tiếc xảy ra như chó cắn chết người. Do đó, để chung tay bảo vệ cuộc sống yên bình, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc nuôi chó, mèo và phòng chống bệnh dại.