Phát huy nội lực, ngành Dầu khí phát triển vững mạnh

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:07, 17/06/2021

(HNM) - Từ con số 0 tròn trĩnh, đến nay, ngành Dầu khí đã phát huy nội lực, xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí vững mạnh. Tất cả nhờ sự tìm tòi, sáng tạo và không ngừng học hỏi của người lao động trong ngành Dầu khí, luôn nỗ lực góp công sức cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

Giàn Đại Hùng 01 thuộc dự án mỏ Đại Hùng (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).

Sau 13 năm thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt (ngày 3-9-1975), việc phát hiện tầng dầu phi truyền thống ở mỏ Bạch Hổ với trữ lượng siêu cấp đã mang tính bước ngoặt. Tên mỏ Bạch Hổ và “tầng dầu trong đá móng granit nứt nẻ” đã đi vào các văn liệu dầu khí thế giới là một đóng góp quan trọng cho khoa học dầu khí, có tính lan tỏa. Thành quả này được ghi nhận như một động lực tăng trưởng kinh tế khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới.

Sự hình thành Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau để đáp ứng nhu cầu về điện tăng nhanh đòi hỏi sớm khai thác mỏ khí lớn Lan Tây ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam. Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn có đường kính 26 inch (660mm), dài 370km dẫn khí ở trạng thái 2 pha vào bờ, công suất 7 tỷ mét khối khí/năm được xem là một trong những công trình lớn bậc nhất thế giới thế kỷ XX. Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn, cũng như công trình thu gom toàn bộ khí đồng hành từ bể Cửu Long đưa vào bờ, được vận hành an toàn suốt 20 năm qua đánh dấu sự trưởng thành của khoa học công nghệ dầu khí Việt Nam, đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp khí, hóa dầu và điện.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động vào năm 2010 đánh dấu khâu cuối cùng trong chu trình hoàn chỉnh ngành công nghiệp dầu khí; từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến vận chuyển, chế biến và dịch vụ kỹ thuật, phân phối sản phẩm... Việc vận hành an toàn, với công suất cao, ổn định, tổ chức nhiều đợt bảo dưỡng tổng thể nhà máy an toàn, chất lượng đã cho thấy trình độ tiếp thu và phát triển ứng dụng công nghệ của lực lượng khoa học công nghệ Việt Nam.

Theo thống kê, những năm qua, toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã có 1.482 sáng kiến cấp đơn vị trực thuộc, làm lợi 5.426 triệu USD và 3.626 tỷ đồng; ở cấp Tập đoàn có 30 sáng kiến làm lợi 23,95 triệu USD và 2.532 tỷ đồng…

Để đáp ứng yêu cầu phát triển ổn định, khoa học công nghệ dầu khí cũng cần sự đổi mới, đặc biệt trong các lĩnh vực, như: Đổi mới công nghệ xử lý, chế biến dầu khí và sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đổi mới công nghệ và chất lượng dịch vụ kỹ thuật - công nghệ cao có khả năng cạnh tranh quốc tế; cải tiến, chế tạo các sản phẩm chuyên dụng, có khả năng tự lực trong cung ứng phần lớn thiết bị và phụ tùng thay thế tiêu chuẩn quốc tế; nghiên cứu chuyển dịch và phát triển nguồn năng lượng sạch theo hướng tận dụng năng lực và tài nguyên dầu khí hiện có, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, phù hợp xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0…

Ngành Dầu khí cũng đã đặt ra mục tiêu giảm thời gian phát triển từ ý tưởng khoa học công nghệ sang sản xuất thành phẩm và giá thành cạnh tranh trong chuỗi giá trị, cải thiện chất lượng và tăng giá trị sáng tạo, tạo thị trường phân phối bền vững, tối đa hóa lợi ích cho người tiêu dùng; nghiên cứu điều chỉnh cấu trúc hệ thống khoa học công nghệ hiện nay trong Petrovietnam về mục tiêu, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động, quản lý, tạo sự liên thông trong sử dụng tích hợp các nguồn lực, phát triển công nghệ và sản xuất ra các sản phẩm có sức cạnh tranh về giá trị trí tuệ...

Trung Hiếu