Chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:25, 18/06/2021
Cảnh giác với sốc nhiệt, đột quỵ
Dù đã đưa ra rất nhiều lời cảnh báo, nhưng năm nào cũng vậy, vào những ngày cao điểm nắng nóng, Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) lại tiếp nhận một số trường hợp bị say nắng, sốc nhiệt… Đơn cử như trường hợp của một nam bệnh nhân 40 tuổi, ở tỉnh Hà Nam được đưa đến Khoa Cấp cứu A9 trong tình trạng hôn mê, sốt trên 41 độ C. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị sốc nhiệt do làm việc dưới nắng nóng ngoài trời. Với nỗ lực của các y, bác sĩ, bệnh nhân đã được cứu sống, nhưng không tránh khỏi các di chứng về ý thức và vận động.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, cơ thể con người có cơ chế điều hòa thân nhiệt để giữ cho nhiệt độ ở mức cân bằng 37 độ C. Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên sẽ phải thực hiện các cơ chế điều tiết, như: Thở nhanh, giãn mạch dưới da, toát mồ hôi, ức chế quá trình sinh nhiệt... Nếu ở trong môi trường nắng nóng kéo dài, các cơ chế đó sẽ không còn hiệu quả. Đặc biệt, khi nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn, dẫn đến hôn mê, co giật. Các đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt thường là nông dân làm việc trên cánh đồng, công nhân làm việc ngoài trời, vận động viên thi đấu hay luyện tập dưới điều kiện nắng nóng…
Theo bác sĩ Trần Huyền Trang, Khoa Cấp cứu và hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới hơn 40 độ C, trong khi nhiệt độ trong nhà thấp hơn nhiều. Khi cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, làm tăng nguy cơ tim đập loạn nhịp và rung lên với tần số cao, khiến dòng máu quẩn trong tâm nhĩ và hình thành huyết khối. Huyết khối di chuyển trong lòng mạch, khi di chuyển lên mạch não sẽ làm tắc mạch, gây nên tình trạng đột quỵ.
“Qua nghiên cứu hơn 1.700 bệnh nhân, nhiệt độ giảm đột ngột 2,9 độ C làm tăng 11% nguy cơ đột quỵ. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nguy cơ đột quỵ có thể tăng lên đến 30%. Các nhóm đối tượng có nguy cơ bị đột quỵ do nhiệt độ thay đổi là: Người cao tuổi, có bệnh lý tim mạch kèm theo như tăng huyết áp, rung nhĩ, suy tim… ”, bác sĩ Trần Huyền Trang thông tin.
Cần tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột
Trong những ngày nắng nóng, nhiều người vẫn phải làm việc ngoài trời. PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, với các trường hợp này cố gắng tránh thời điểm từ 11h trưa đến 15h chiều, vì đây là lúc cường độ nắng nóng cao nhất. Cùng với đó là phải bảo vệ cơ thể bằng quần áo bảo hộ lao động chống nắng. Nếu phải lưu thông trên đường, cần đội mũ nón, che ô, mặc đồ chống nắng. Sau một khoảng thời gian ở ngoài trời nắng phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10-15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước. Trong những ngày nắng nóng, mỗi người nên uống từ 2,5 đến 3 lít nước/ngày.
Trong khi đó, bác sĩ Trần Huyền Trang, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng, đột quỵ có thể xảy ra mọi lúc, do đó, khi thời tiết nắng nóng cần tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khi vừa ở ngoài trời nắng về nhà, không trực tiếp đi ngay vào phòng có điều hòa; không tắm nước lạnh ngay và chỉ sử dụng điều hòa ở mức 27 độ C. Bên cạnh đó, người dân cần duy trì một lối sống lành mạnh, cân nặng lý tưởng, không ăn mặn, hạn chế chất béo, uống đủ nước, tăng cường ăn rau củ quả và dành thời gian tập thể dục đều đặn mỗi ngày khoảng 30-45 phút.
Ngoài ra, thời tiết nắng nóng còn gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm ở trẻ em. Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương), các bậc phụ huynh cần chú ý chế độ dinh dưỡng, cho trẻ uống đủ nước, bảo đảm “ăn chín, uống sôi”, nguồn thức ăn phải tươi, sạch. Trong mùa nắng nóng nên cho trẻ ở trong nhà thoáng khí, mát mẻ; hạn chế để trẻ vui chơi hoặc đi đến những nơi đông người, tránh bị lây nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt trong mùa dịch Covid-19. Đồng thời, chủ động cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch; dạy trẻ rửa tay bằng xà phòng đúng cách, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…
“Bệnh mùa nắng nóng không thực sự đáng sợ, nhưng nếu lơ là, chủ quan, không được phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh sẽ có thể chuyển biến nặng. Vì vậy, ngoài việc thực hiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, giữ môi trường sống lành mạnh, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý theo sát trẻ. Khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được phát hiện và xử lý kịp thời”, Tiến sĩ Lê Ngọc Duy khuyến cáo.