Chữa ''nghiện'' thiết bị điện tử cho trẻ em

Đời sống - Ngày đăng : 06:38, 19/06/2021

(HNM) - Đã có rất nhiều thông tin từ các nhà nghiên cứu, bác sĩ cảnh báo những tác hại khôn lường của việc cho trẻ em tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử (điện thoại, ti vi, máy tính…). Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng này không thuyên giảm, thậm chí có xu hướng gia tăng, nhất là trong thời gian trẻ em không phải đến trường vì dịch Covid-19 và dịp nghỉ hè. Tình trạng này đặt ra vấn đề, cả xã hội - đặc biệt là các phụ huynh, phải sớm tìm ra “thuốc” chữa nghiện thiết bị điện tử cho trẻ em.

Phụ huynh cần quan tâm đồng hành, hỗ trợ trẻ em tránh tác hại của các thiết bị điện tử. Ảnh: Ngân Thùy

“Dán mắt” vào màn hình

Điều chị Phạm Bích Hà (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) băn khoăn nhất khi hai đứa con (học sinh lớp 4 và lớp 2) nghỉ học không phải là cho chúng ăn gì, chơi gì mà lo các con suốt ngày “dán mắt” vào màn hình ti vi, điện thoại, máy tính. “Sáng ngủ dậy, chưa kịp đánh răng rửa mặt, chúng nó đã tranh nhau cái điện thoại mở các chương trình trên mạng xã hội YouTube. Bị tịch thu điện thoại thì chúng quay sang mở ti vi, xem hết hoạt hình thiếu nhi đến phim Hàn Quốc”, chị Hà chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Minh Thu (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cho biết: “Lúc đi học, trẻ còn xa rời điện thoại được cả ngày, về nhà bận bịu bài vở nên thời gian chơi điện thoại hay xem ti vi chỉ mang ý nghĩa giải lao, thư giãn. Nhưng từ khi nghỉ hè sớm vì dịch Covid-19, lại bị hạn chế ra ngoài thì thú vui hằng ngày chỉ còn là điện thoại, ti vi, máy tính, đặc biệt là điện thoại. Tôi rất lo lắng nhưng chưa có cách nào để hạn chế việc các con sử dụng điện thoại”.

Bên cạnh lý do khách quan từ dịch Covid-19, nguyên nhân phổ biến vẫn là việc phụ huynh quá bận bịu với công việc, để con tự do sử dụng thiết bị công nghệ số hoặc nuôi dạy không đúng cách dẫn tới trẻ em phụ thuộc vào đồ chơi công nghệ.

Anh Nguyễn Văn Bích (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) cho biết: “Tôi không thể nào ép con trai út 4 tuổi ăn cơm nếu không cho con xem điện thoại. Thằng bé chăm chú vào màn hình thì tôi sẽ nhanh chóng xúc cho con hết bát cơm”. Còn chị Nguyễn Phương Dung (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Đi làm cả ngày mệt mỏi rồi về nhà lại tất bật cơm nước, tôi chỉ muốn chúng nó ngồi yên xem gì đó để tôi có thời gian nghỉ ngơi”.

Các chuyên gia y tế đã chỉ ra những tác hại của việc xem điện thoại, ti vi, máy tính quá nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ em, như: Tổn thương mắt, tăng nguy cơ béo phì, hội chứng co cứng cơ cột sống cổ, cong vẹo cột sống, ảnh hưởng đến trí não (suy giảm trí nhớ, giảm khả năng giao tiếp, rối loạn giấc ngủ…). Thế nhưng, đến nay, tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến.

Đồng hành cùng trẻ em

PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, trẻ em cũng chịu tác động bởi dịch Covid-19 như nghỉ học kéo dài, không được vui chơi nơi công cộng nên chỉ còn biết “làm bạn” với màn hình điện thoại, ti vi, máy tính, từ đó dễ gây ra các vấn đề rối loạn tâm lý do nghiện game, mạng xã hội.

Chuyên gia tâm lý - giảng viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên, các phụ huynh cần tăng cường trao đổi, trò chuyện, tương tác trực tiếp với con em mình, hướng trẻ em nói chung và học sinh nói riêng tới những sở thích như hội họa, âm nhạc, rèn luyện thể dục thể thao hoặc các trò chơi vận động trong không gian nhỏ… 

Để hạn chế sang chấn tâm lý từ việc “nghiện” màn hình thiết bị điện tử thông minh, bác sĩ Trần Quyết Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội chia sẻ, cha mẹ hãy đồng hành, làm bạn cùng con, trò chuyện, vui chơi với chúng để kịp thời ngăn chặn suy nghĩ, lối sống tiêu cực ảnh hưởng từ mạng xã hội của con em mình. Khi thấy con có dấu hiệu lo âu, mệt mỏi, kém tập trung… kéo dài từ 2 tuần trở lên, cần đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và được hỗ trợ tư vấn.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho rằng, phụ huynh có trách nhiệm lớn trong chuyện con nghiện ti vi, điện thoại, máy tính. “Nhiều người lớn có thói quen không thể xa điện thoại vài giờ, từ đó tạo gương xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến con trẻ. Chưa kể, nhiều cha mẹ còn dùng điện thoại để dỗ trẻ con khi cho ăn hay con quấy khóc. Do đó, nên thiết lập quy định mỗi ngày chỉ cho con tiếp xúc với ti vi, điện thoại, máy tính một thời gian nhất định, theo các khuyến cáo không quá 1 giờ/ngày. Và chính cha mẹ phải làm gương thực hiện các “thiết chế” gia đình này để trẻ em học theo. Cha mẹ hãy là người thay đổi, vì tương lai của con mình”, bác sĩ Trần Quốc Khánh lưu ý.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Nga khuyến cáo, việc đồng hành với trẻ vô cùng quan trọng, trên tinh thần tôn trọng, cùng con tìm hiểu các lợi ích và rủi ro khi “làm bạn” với điện thoại, ti vi, máy tính. Gia đình là “lá chắn” mạnh mẽ giúp bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng một cách hiệu quả nhất.

Trang Ngân