Nỗi lo thuốc kém chất lượng

Sức khỏe - Ngày đăng : 05:20, 20/06/2021

(HNMCT) - Nặng thì mất mạng, nhẹ thì ngộ độc, “tiền mất tật mang” là những hệ lụy mà người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu nếu dùng phải thuốc kém chất lượng.

Thuốc kém chất lượng sẽ gây hại tới sức khỏe người dùng.

Hệ lụy thuốc kém chất lượng

Mới đây, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có thông báo thu hồi dung dịch uống Atisalbu do Công ty cổ phần Dược phẩm An Thiên sản xuất; trước đó không lâu đã thông báo thu hồi thuốc dung dịch nhỏ mắt Tobraquin và đề nghị người tiêu dùng ngừng ngay việc sử dụng thuốc này... Cách đây hơn một năm, cơ quan quản lý dược cũng đã thông báo thu hồi trên toàn quốc tới 11 loại thuốc có thành phần Ranitidine chứa tạp chất vượt giới hạn cho phép. Một vụ việc khác cũng từng gây chấn động là thông báo dừng sử dụng 57 loại thuốc sử dụng nguyên liệu Valsartan do một công ty Trung Quốc sản xuất được kết luận là có chứa tạp chất gây ung thư...

Những thông báo về thu hồi thuốc khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng, bởi khi thông báo thu hồi được đưa ra thì nhiều loại thuốc kém chất lượng đã nằm trên kệ thuốc tư nhân, nhà thuốc bệnh viện và cả ở trong... dạ dày nhiều người. Thực tế đã và đang có nhiều những sai phạm liên quan đến chất lượng thuốc mà ngành Y tế phát hiện được qua công tác kiểm tra, giám sát như hàm lượng không đúng với công bố; một số thuốc có chứa chất cấm, gây hại sức khỏe người dùng; tờ hướng dẫn sử dụng thuốc không cập nhật chống chỉ định và cảnh báo đối với các thuốc có chứa hoạt chất có thể tác động tiêu cực tới sức khỏe người dùng...

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện có một số thuốc thật có nguồn gốc từ các nhà sản xuất, nhà thuốc, công ty phân phối nhưng đã hết hoặc gần hết hạn sử dụng; hoặc các sản phẩm thuốc không còn hạn sử dụng nhưng được xóa bỏ hạn cũ và đóng bao bì với hạn dùng mới. Những cách thức này khiến người bệnh không nghi ngờ về sản phẩm. Tuy nhiên, độ ổn định và nồng độ hoạt chất trong thuốc đã giảm đáng kể theo thời gian. Không còn đủ hàm lượng hoạt chất, thuốc sẽ không tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh, dẫn đến tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng cao. Hơn nữa, khi thuốc bị phân hủy thì rất dễ gây phản ứng có hại cho người bệnh.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh sẽ phải đối diện với những di chứng khó lường khi không may sử dụng phải thuốc kém chất lượng. Chẳng hạn, với một bệnh nhân bị đái tháo đường được chỉ định sử dụng thuốc hạ đường huyết, nhưng do mua phải thuốc kém chất lượng nên đường huyết chẳng những không xuống mà còn tăng cao, rất dễ tử vong. Bên cạnh đó, ngoài không bảo đảm các hoạt chất như đã đăng ký, thuốc kém chất lượng còn có thể chứa các chất có tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe như gây dị ứng, nhiễm độc...

Để tránh “tiền mất tật mang”

Nguy hiểm là vậy nhưng việc phân biệt giữa thuốc thật và thuốc kém chất lượng lại không thể tiến hành bằng mắt thường, mà chỉ có cách duy nhất là đưa đến kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương. Song, có những loại thuốc mà việc kiểm nghiệm mất rất nhiều thời gian.

Theo khẳng định của ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, dược là ngành kinh doanh có điều kiện được tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn hóa và hội nhập quốc tế cao; các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều được giám sát chặt chẽ bởi việc tiền kiểm và hậu kiểm. Trong thời gian qua đã có các hoạt động quản lý Nhà nước để kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng thuốc. Chính nhờ việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, chất lượng thuốc của Việt Nam được duy trì và bảo đảm. Tỷ lệ thuốc kém chất lượng được ngành Y tế lấy mẫu để kiểm nghiệm ngày càng giảm.

Để kiểm soát tốt chất lượng thuốc chữa bệnh, người dân không nên chỉ chờ các cơ quan quản lý mà cần phát huy quyền của mình trong việc giám sát hoạt động của ngành Y tế thông qua các cơ quan truyền thông, qua các tổ chức độc lập và Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức về thuốc, luôn khám bệnh và nhận tư vấn, kê đơn của bác sĩ; chọn mua thuốc ở những cơ sở lớn, có tên tuổi, địa chỉ tin cậy; xem kỹ thời hạn sử dụng ghi trên sản phẩm; ghi nhớ thông tin về những loại thuốc đã bị làm giả, thuốc kém chất lượng do cơ quan quản lý dược công bố để tránh “tiền mất tật mang”. Người dân tuyệt đối không mua thuốc "xách tay", thuốc được bán qua mạng internet từ các quốc gia chưa có luật pháp kiểm soát loại hình bán thuốc này.

An Hà