Nhân văn, giảm tải áp lực xét xử
Pháp luật - Ngày đăng : 07:10, 20/06/2021
Theo thống kê của Tòa án nhân dân Tối cao, hòa giải trong tố tụng đạt trung bình hằng năm khoảng 50,6% tổng số các vụ việc; hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng đạt khoảng 80,06%. Kết quả này có ý nghĩa trong việc giải quyết các xung đột trong nhân dân, tiết kiệm thời gian, kinh phí của đương sự và Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.
Từ thực tế này, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 quy định, hòa giải, đối thoại theo quy định của luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn... và được tiến hành bởi đội ngũ hòa giải viên Tòa án nhân dân các cấp bổ nhiệm.
Để đón đầu Luật, hoạt động đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đã được triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương và Long An). Từ đó rút kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống, nghiên cứu xây dựng hệ thống lý luận, giáo trình về hòa giải, đối thoại chính quy sử dụng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Theo đó, các trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án của 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải thành, đối thoại thành được 36.985/47.493 vụ việc. Một số tỉnh, thành phố có số lượng vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành cao như: Thành phố Hà Nội 5.487 vụ việc, thành phố Hồ Chí Minh 5.189 vụ việc, các tỉnh Bình Dương 4.263 vụ việc, Khánh Hòa 3.094 vụ việc…
Đối với những vụ việc hòa giải không thành, qua quá trình giải quyết tại trung tâm, các hòa giải viên đã giải thích quy định của pháp luật, từ đó giúp các bên nhận thức đúng đắn hơn về vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết sau này của Tòa án.
Kết quả thí điểm trên đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm đánh giá là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc với mục tiêu cao nhất là tạo điều kiện tối đa cho các bên thực hiện quyền tự quyết trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện, phù hợp với xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới.
Không những vậy, kết quả thí điểm đã khẳng định những giá trị mà phương thức giải quyết tranh chấp này mang lại, đặc biệt đây là cách xử lý ít tốn kém: Chi phí trung bình cho 1 vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành là 1,2 triệu đồng, chiếm 22% so với chi phí cho xét xử sơ thẩm 1 vụ việc dân sự, hành chính là 5,5 triệu đồng; nếu vụ việc phải qua xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và cưỡng chế thi hành án thì chi phí còn có thể tăng lên gấp nhiều lần.
Luật sư Nguyễn Hoài Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, hòa giải, đối thoại tại Tòa án cũng chính là công tác dân vận, vì vậy cần phải thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội như thẩm phán, kiểm sát viên, những người giữ chức danh tư pháp khác đã nghỉ hưu, luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn… tham gia công tác hòa giải, đối thoại với mục tiêu cao nhất là tạo điều kiện tối đa cho các bên thực hiện quyền tự quyết trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện, giảm tải công việc cho tòa án. Bên cạnh đó, việc chỉ định hòa giải viên phù hợp với tính chất và loại tranh chấp, khiếu kiện trong vụ việc cụ thể cũng góp phần tạo nên thành công của hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Thời gian tới, Tòa án nhân dân các cấp cần phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để nhân dân hiểu và lựa chọn, góp phần đưa đạo Luật hết sức tiến bộ này đi vào cuộc sống.