Giải pháp chiến lược căn cơ, lâu dài
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:38, 21/06/2021
Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngay từ đầu đã xác định, nhiều khả năng vi rút SARS-CoV-2 còn tồn tại lâu, chỉ khi nào có vắc xin hoặc thuốc đặc trị thì mới ngăn chặn được dịch bệnh này. Vì vậy, chúng ta đã đặt ra quyết tâm phải có vắc xin sớm nhất. Từ đầu năm 2020, Bộ Y tế được giao tiếp cận với tất cả công ty có tiềm năng sản xuất vắc xin trên thế giới để đàm phán mua, nhập khẩu vắc xin hoặc nhận chuyển giao công nghệ.
Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan đàm phán, chuẩn bị sẵn sàng nguồn kinh phí mua vắc xin. Nhờ vậy, đến nay, hàng triệu liều vắc xin đã được nhập khẩu về nước và đang được tiêm cho người dân theo thứ tự ưu tiên. Đặc biệt, qua quá trình đàm phán, Bộ Y tế cho biết, trong năm 2021 có thể tiếp cận được khoảng 130 triệu liều vắc xin, giá mua thuộc nhóm mua rẻ nhất, để tiến tới tiêm cho toàn dân (theo độ tuổi được phép tiêm), đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Song song với nhiệm vụ đàm phán mua vắc xin ngoài nước, Chính phủ cũng giao Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành, đơn vị liên quan triển khai nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước. Với tinh thần chủ động từ sớm, đến nay, Việt Nam đã có 3 đơn vị tiềm năng phát triển được vắc xin Covid-19 là Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen, Viện vắc xin và sinh phẩm y tế - IVAC và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech). Thông tin rất tích cực là vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên của Việt Nam mang tên Nano Covax của Công ty Nanogen đã bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Như vậy có thể thấy, trong quá trình thực hiện chiến lược vắc xin phòng Covid-19, Chính phủ luôn thấu suốt quan điểm mong muốn người dân, doanh nghiệp đóng góp công sức, trí tuệ, rồi mới đến tiền bạc vào phòng, chống dịch nói chung, việc tiếp cận nguồn vắc xin nói riêng.
Trên tinh thần này, tại buổi gặp mặt với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19 (ngày 7-6-2021), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong triển khai chiến lược vắc xin, cần thực hiện đồng bộ, gồm: Mua, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin trong nước đồng thời tổ chức, triển khai chiến dịch tiêm vắc xin kịp thời, an toàn, hiệu quả. Người đứng đầu Chính phủ cũng đặt quyết tâm rất cao khi chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng ngay chương trình quốc gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin; sớm nghiên cứu để thành lập trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc xin quốc gia đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Thực tế, việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc xin là khó khăn, thách thức nhưng bằng quyết tâm chính trị cao nhất chúng ta phải làm bằng được để phòng, chống dịch và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Phải đặt lợi ích của quốc gia, của dân tộc, của nhân dân, cộng đồng lên trên hết, trước hết để đưa ra các chính sách, tổ chức nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, phân phối, sử dụng vắc xin phù hợp, hiệu quả với phương châm 5 thật: "Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân và doanh nghiệp thụ hưởng thật". Đồng thời phải giải quyết ngay các vướng mắc theo phương châm 3 không: "Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".
Để thực hiện chiến lược vắc xin, trong đó có việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc xin, vấn đề cần quan tâm hiện nay là triển khai các giải pháp huy động nguồn lực tài chính, trong đó phải có giải pháp hợp tác công - tư trên nguyên tắc hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa lợi ích Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp. Cùng với đó là các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các cơ chế, chính sách để tập hợp, thu hút các nhà khoa học; khích lệ, phát huy lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc để họ cùng tham gia, đóng góp cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin với quy định rõ ràng, công khai, minh bạch. Các quy trình thử nghiệm, đánh giá, cấp phép vắc xin vừa trên tinh thần "chống dịch như chống giặc" nhưng phải tuân thủ nguyên tắc khoa học, bám sát thực tiễn, bảo đảm kịp thời, an toàn…
Để chiến thắng dịch Covid-19, việc nghiên cứu, phát triển vắc xin là giải pháp chiến lược căn cơ và lâu dài!
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.