Cần gắn kết trách nhiệm

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:00, 22/06/2021

(HNM) - Nguồn lực đất đai là một trong những yếu tố quan trọng, nếu phát huy tốt sẽ luôn là động lực mạnh mẽ để phát triển. Đối với Hà Nội, nguồn lực đất đai thời gian qua đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, giúp nhiều địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới, có kết cấu hạ tầng cơ sở đồng bộ, sạch đẹp, văn minh, hiện đại...

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn Hà Nội vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Trong khi có đến 293/383 dự án chậm triển khai giai đoạn 2012-2017 được HĐND thành phố Hà Nội kiến nghị năm 2018 vẫn chưa được xử lý triệt để, thì qua tái giám sát vào đầu năm 2021, Thường trực HĐND thành phố lại phát hiện thêm 45 dự án chậm triển khai. Về yếu tố khách quan, đó là sự thiếu đồng bộ giữa Luật Đất đai với các luật có liên quan như: Luật Đấu thầu; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Đầu tư; Luật Xây dựng… đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư. Về nguyên nhân chủ quan, đó là tình trạng buông lỏng quản lý, lợi dụng chính sách đất đai còn bất cập để “ôm” đất nhưng sau đó không đủ nguồn lực để triển khai, kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội, đặc biệt là với những người dân trong diện quy hoạch “treo” kéo dài...

Để loại bỏ những hệ lụy mà các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai gây ra, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần định kỳ 6 tháng, 1 năm rà soát lại, xác định rõ giải pháp cũng như tiến độ xử lý đối với từng dự án, công khai các chủ dự án thiếu năng lực; đồng thời kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai, không phù hợp với quy hoạch… Đối với các dự án thu hồi đất, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy trình trên cơ sở vận dụng linh hoạt chính sách đã có, tạo điều kiện cho nhân dân ổn định đời sống sau khi bị thu hồi đất. Với các dự án đấu giá chuyển quyền sử dụng đất, cần công khai, minh bạch để người dân biết và giám sát việc thực hiện. Cùng với đó là đẩy mạnh kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện dự án của các chủ đầu tư, kịp thời ngăn chặn những trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Với các chủ đầu tư “ôm” đất không triển khai dự án, cố tình “tranh tối, tranh sáng” để trục lợi, cần xử lý nghiêm theo quy định hiện hành.

Mặt khác, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, địa phương đối với chủ đầu tư chậm triển khai dự án, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Đồng thời tăng cường năng lực quản lý dự án, trong đó đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và có hình thức xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật để trục lợi… Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm cá nhân đối với những người được giao quản lý trong lĩnh vực này, tránh để rơi vào tình trạng “công lao cá nhân, trách nhiệm tập thể”… Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm xử lý các dự án chậm tiến độ theo quy định của pháp luật.

Về phía các chủ đầu tư, cần nêu cao trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trong giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan đến dự án chậm triển khai.

Một mặt tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án nếu đủ điều kiện; mặt khác, cụ thể hóa và gắn kết trách nhiệm của các bên liên quan, chắc chắn việc sử dụng nguồn lực đất đai sẽ hiệu quả hơn, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển chung.

Đan Nhiễm