Thành phố Hồ Chí Minh: Thêm người được tiêm vắc xin, thống nhất phần mềm khai báo y tế
Sức khỏe - Ngày đăng : 15:26, 22/06/2021
Người lao động được tiêm vắc xin
Sáng 22-6, bà Trần Thị Kim Liên, 52 tuổi, ngụ tại quận 11 nhận được tin nhắn qua điện thoại từ Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh với nội dung: "Mời chị đến điểm tiêm chủng nơi cư trú để tiêm vắc xin phòng Covid-19". Bà Liên chia sẻ: “Tôi làm nội trợ và làm lao công tại một văn phòng ở quận 3, chưa từng nghĩ mình lại được tiêm vắc xin sớm như vậy. Tôi và gia đình rất vui, xin cảm ơn lãnh đạo thành phố đã quan tâm tới người lao động như tôi”.
Niềm vui của bà Liên cũng là niềm vui của những thành viên tổ Covid-19 cộng đồng tại quận Tân Bình, khi họ là những cư dân đầu tiên trên địa bàn được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Suốt thời gian qua, họ là những người tham gia lực lượng truyền thông, vận động, nhắc nhở người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời vận động sự ủng hộ của các tổ chức, "mạnh thường quân" để hỗ trợ lương thực, thực phẩm hay các nhu yếu phẩm cần thiết cho khu vực đang bị phong tỏa, tuyến đầu.
Bà Hồng Ánh (53 tuổi), vừa là tổ trưởng tổ dân phố, tổ trưởng tổ phụ nữ, vừa là cộng tác viên trong tổ Covid-19 cộng đồng, vui vẻ nói: “Tôi và các thành viên tổ Covid-19 cộng đồng không thấy lo lắng khi được gọi đi tiêm mà cảm thấy may mắn, hạnh phúc khi được tiêm đợt này. Được tiêm vắc xin phòng dịch như được trang bị thêm tấm khiên bảo vệ mình và cộng đồng trước dịch Covid-19. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện công việc của mình ngày một tốt hơn”.
Thành phố Hồ Chí Minh bước vào ngày thứ hai của chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay. Dự kiến, đến ngày 27-6, sẽ có 1 triệu người dân thành phố được tiêm phòng dịch. Theo kế hoạch của ngành Y tế, ngoài các đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, các đối tượng khác, như người cung cấp dịch vụ thiết yếu; giáo viên; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; người nghèo; công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất... cũng được tiêm vắc xin đợt này.
Thống nhất phần mềm khai báo y tế dùng chung
Thành phố Hồ Chí Minh đã bước sang tuần thứ ba giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc khai báo y tế điện tử được áp dụng mọi nơi, mọi lúc, như tại siêu thị, ngân hàng, cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng mỗi nơi dùng một phần mềm khai báo y tế khác nhau, khiến người dân phải khai nhiều lần trong ngày, nếu đến nhiều nơi.
Chị Trần Thu Trang, ngụ tại đường D4, phường Tân Hưng, quận 7, chia sẻ: “Buổi sáng tôi đến ngân hàng Sacombank, được yêu cầu khai báo y tế trên phần mềm chuyên biệt của ngân hàng. Sau đó, tôi qua phòng khám gần nhà, được yêu cầu khai báo bằng phần mềm riêng của ngành Y tế thành phố. Buổi chiều, tôi qua Trung tâm Báo chí thành phố, được hướng dẫn khai báo trên tokhaiyte.vn, mục “khai báo toàn dân”… Nếu có phần mềm dùng chung để đỡ phải khai đi khai lại những mục chính được lưu sẵn trên phần mềm thì tốt quá”.
Mong muốn của chị Trang cũng là mong muốn của nhiều người dân tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện, chỉ có hệ thống siêu thị Lotte Mart là chấp nhận kết quả khai báo một lần, dùng cho nhiều lần đi siêu thị trong vòng 7 ngày. Khi vào cửa, khách hàng chỉ cần đưa mã QR có được từ lần khai gần nhất để nhân viên kiểm tra, rồi đo thân nhiệt, rửa tay khử khuẩn là được vào mua sắm, không phải khai nhiều lần. Anh Vũ Trung Tín, 32 tuổi, ngụ tại đường Tôn Thất Thuyết, quận 4, băn khoăn: “Khai nhiều lần bằng các phần mềm khác nhau, không biết dữ liệu có về chung một mối không?".
Nhận thấy rõ bất cập này, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh cùng Sở Y tế thống nhất đề xuất UBND thành phố cho phép các cơ quan, đơn vị trên địa bàn sử dụng chung phần mềm “Hệ thống khai báo y tế điện tử” mà ngành Y tế thành phố đã triển khai rất hiệu quả thời gian qua tại các cơ sở y tế trên địa bàn.
Theo đó, khi người dân thành phố đến các cơ quan, tổ chức, trường học, bệnh viện… trên địa bàn, chỉ dùng chung phần mềm khai báo y tế tại địa chỉ https://kbyt.khambenh.gov.vn (có thể dễ dàng truy cập qua mã QR) để khai báo. Trên phần mềm này, ngành Y tế thành phố đã cập nhật mọi yếu tố dịch tễ dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm để người dùng dễ dàng khai báo. Các nội dung chính sẽ được lưu lại để người dùng không phải khai báo lại trong những lần sử dụng tiếp theo, chỉ cập nhật những yếu tố dịch tễ mới, nếu có phát sinh.
Tất cả các dữ liệu khai báo này sẽ được ngành Y tế thành phố thống nhất quản lý, thực hiện truy vết nhanh chóng, thuận tiện khi cần. Dự kiến, quy định dùng phần mềm khai báo y tế điện tử thống nhất trên toàn thành phố Hồ Chí Minh sẽ được triển khai từ ngày 24-6-2021.
Để cài đặt Bluezone trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.