Xin cấp phép khẩn cấp đối với vắc xin phòng Covid-19 ''made in Vietnam''
Đời sống - Ngày đăng : 16:16, 22/06/2021
Trong tình hình dịch bệnh đang cản trở sự phát triển kinh tế của nước ta và thế giới, Công ty Nanogen đã nghiên cứu và sản xuất vắc xin Nano Covax phòng Covid-19.
Dựa trên báo cáo các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 1 và 2 của vắc xin Nano Covax đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh quốc gia chấp thuận và đánh giá tốt. Cùng với đó, vắc xin đang được triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với hàm lượng 25mcg/ml trên quy mô 13.000 người.
Theo ông Hồ Nhân, dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vắc xin Nano Covax đạt 99,4%. So sánh với các loại vắc xin khác trên thế giới không hề thua kém và có phần cao hơn. Dù vậy, giá bán dự kiến của vắc xin này đang thấp nhất thế giới, chỉ với 120.000 đồng/liều.
Công suất sản xuất hiện nay của nhà máy Nanogen đạt 8-12 triệu liều/tháng. Dựa trên kế hoạch và năng lực hiện tại, công ty dự kiến cung cấp đủ 50 triệu liều đến tháng 12-2021 và 100 triệu liều vào năm 2022.
"Chúng tôi quyết tâm đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, cung cấp đủ vắc xin để Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng vào quý II-2022. Chúng tôi rất mong vắc xin Nano Covax sớm được cấp phép khẩn cấp có điều kiện, tương tự như các loại vắc xin của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ", ông Hồ Nhân cho biết.
Cùng ngày, theo tin từ Học viện Quân y, 1.000 tình nguyện viên đầu tiên đã hoàn tất tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax giai đoạn 3. Trong số này, tỷ lệ tiêm là 6:1, tức 6 người tiêm vắc xin và 1 người tiêm giả dược.
Tình nguyện viên đầu tiên tham gia tiêm thử nghiệm đợt đầu của giai đoạn 3 được thực hiện tại nhiều trung tâm trong nước. Tại khu vực miền Bắc do Học viện Quân y làm đầu mối triển khai tiêm cho khoảng 880 người; phía Nam do Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh làm đầu mối triển khai, phối hợp với các địa phương, tiêm cho hơn 120 người.
Đại diện Học viện Quân y cho biết, sau khi tiêm vắc xin Nano Covax mức liều 25mcg, các tình nguyện viên có sức khỏe ổn định. Nhóm nghiên cứu tích cực đôn đốc các tình nguyện viên nhập dữ liệu nhật ký theo dõi điện tử hằng ngày liên quan đến tác dụng phụ (nếu có) sau khi tiêm thử nghiệm.
Dự kiến, đến ngày 30-7, các tình nguyện viên hoàn thành việc lấy máu xét nghiệm để đánh giá khả năng sinh miễn dịch của vắc xin.
Sau khi tiêm thử nghiệm cho 1.000 người đợt đầu tiên, Học viện Quân y sẽ tiếp tục tiêm thử nghiệm cho 12.000 người còn lại.