Sửa đổi Luật Viễn thông để đáp ứng xu thế chuyển đổi số quốc gia

Cải cách hành chính - Ngày đăng : 18:10, 23/06/2021

(HNMO) - Ngày 23-6, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thi hành Luật Viễn thông.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thi hành Luật Viễn thông.

Luật Viễn thông được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ sáu ngày 23-11-2009, có hiệu lực thi hành từ 1-7-2010.

Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã, Luật Viễn thông đã giúp đa dạng hóa thành phần kinh tế tham gia, quản lý tài nguyên viễn thông - tần số, internet, đáp ứng quy hoạch viễn thông đến năm 2020, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, quản lý giá cước khuyến mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Tại hội nghị, đại diện cơ quan quản lý, nhà mạng nêu ý kiến về việc sửa đổi Luật Viễn thông đáp ứng xu thế chuyển đổi số quốc gia. Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Viễn thông và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị thuộc Bộ, các sở thông tin và truyền thông, doanh nghiệp viễn thông.

Việc sửa đổi tập trung vào hạ tầng viễn thông sẽ chuyển thành hạ tầng số với không gian mới đám mây (cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật kết nối (IoT), phân tích dữ liệu; các nền tảng chuyển đổi số như nền tảng định danh số, nền tảng thanh toán số; chính phủ số, kinh tế số, xã hội số...

Đề xuất giải pháp sử dụng chung hạ tầng mạng 5G, ông Vũ Tuấn Trung, Phó Trưởng ban Công nghệ và quản lý mạng (Tổng công ty Viễn thông MobiFone) cho rằng, cơ quan nhà nước điều hành cấp phép phân chia khu vực để các nhà mạng triển khai cơ sở hạ tầng 5G bảo đảm tiết kiệm chi phí đầu tư cũng như đẩy nhanh mở rộng vùng phủ sóng tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Ban Công nghệ (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT) cho biết, cần xem xét mối tương quan giữa Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện, dự báo được xu hướng thay đổi nhanh của công nghệ; quy định rõ hơn về mối liên hệ giữa các doanh nghiệp hợp tác cung cấp dịch vụ viễn thông trên cơ sở các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết; đồng thời bảo vệ quyền lợi và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Luật sửa đổi cũng cần quy định việc chiếm hữu tài nguyên viễn thông tối đa của một doanh nghiệp để bảo đảm không làm mất cân bằng thị trường và khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp...

Tiếp thu các ý kiến góp ý, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết, Bộ sẽ xây dựng quy định cụ thể trong Luật Viễn thông để phối hợp liên ngành giúp các doanh nghiệp triển khai nhanh chóng, đồng bộ hạ tầng viễn thông. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể việc chia sẻ dùng chung hạ tầng viễn thông và ngầm hóa (kể cả cáp truyền hình), xử lý triệt để rác viễn thông.

Hiện tại, thị trường viễn thông Việt Nam có 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động (5 nhà mạng cung cấp dịch vụ 4G) và 63 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet. Tổng số thuê bao di động phát sinh lưu lượng là 123,32 triệu; thuê bao băng rộng di động phát sinh lưu lượng là 68,2 triệu; thuê bao internet băng rộng cố định là 17,95 triệu. 

Châu Anh