Nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam
Công nghệ - Ngày đăng : 07:06, 24/06/2021
Kết quả bước đầu
Vắc xin có tính chất quyết định, chiến lược lâu dài trong phòng, chống dịch nói chung và phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng. Đây là “vũ khí” quan trọng, quyết định để chấm dứt và chiến thắng dịch bệnh.
Ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, cùng với việc nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, đàm phán, trao đổi với các nhà sản xuất, đối tác phát triển, sản xuất, cung ứng vắc xin phòng Covid-19 trên thế giới, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu phát triển và sản xuất vắc xin trong nước chủ động, tích cực, khẩn trương triển khai các nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng vắc xin "made in Vietnam".
Từ đầu năm 2020, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước đã chủ động đánh giá năng lực, điều kiện nghiên cứu, sản xuất vắc xin và đề xuất phương án nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19 có tính khả thi. Có 2 phương án: Tự nghiên cứu hoặc hợp tác nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin.
Hiện tại, cả nước có 2 nhà sản xuất đang nghiên cứu, phát triển và đang thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng Covid-19, đó là: Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược (Nanogen) và Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC).
Chỉ sau 6 tháng được Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ trì đề tài nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19, với tinh thần nỗ lực, sáng tạo, tăng tốc, tháng 12-2020, Công ty Nanogen đã sản xuất thành công vắc xin Nano Covax để thử nghiệm lâm sàng. Đến nay, vắc xin Nano Covax đã được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng tại Học viện Quân y và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, triển khai tại Học viện Quân y, tỉnh Hưng Yên, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang và một số đơn vị.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, vắc xin Nano Covax được thử nghiệm lâm sàng theo 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 3 bắt đầu thử nghiệm từ tháng 6-2021 trên 13.000 người tình nguyện đủ 18 tuổi trở lên.
Vắc xin Covivac do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) đang được Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp cùng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương triển khai thực hiện thử nghiệm lâm sàng từ ngày 15-3, đến nay đang được báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 để chuyển tiếp nghiên cứu giai đoạn 2.
Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cũng đang triển khai các hoạt động nghiên cứu, hợp tác sản xuất và thử nghiệm vắc xin. Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH cho biết, nhóm nghiên cứu của công ty đã phối hợp cùng đối tác quốc tế của Trường Đại học Bristol (Anh) nghiên cứu, phát triển vắc xin Covid-19. Đến nay, các kết quả nghiên cứu trên các động vật thí nghiệm (chuột và khỉ) cho thấy, vắc xin có tính an toàn và tính sinh miễn dịch tốt. Nhóm đang tiếp tục phát triển các vắc xin ngừa biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 và chuẩn bị các bước tiếp theo cho thử nghiệm lâm sàng vắc xin trên người.
Theo Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, yêu cầu của một vắc xin đại dịch là cần có nhanh, nhiều và hiệu quả. Do vậy, việc tiếp cận các công nghệ mới trong sản xuất vắc xin là hết sức cần thiết. Hiện, công ty đang xúc tiến đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam. Công ty cũng đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga về việc đóng ống vắc xin Sputnik-V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng, bắt đầu từ tháng 7-2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.
Tạo điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, sản xuất vắc xin
Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý nhà nước được giao nhiệm vụ đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ việc nghiên cứu vắc xin, chuyển giao công nghệ sản xuất và cơ chế thông thoáng về nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực y tế; chủ trì, triển khai nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030; hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với công nghệ sản xuất vắc xin...
Thực tế cho thấy, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Trong quá trình sản xuất vắc xin Nano Covax, Bộ đã rút ngắn các thủ tục hành chính, kết nối, kích hoạt được tất cả nguồn lực tập trung hỗ trợ cho Công ty Nanogen. Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - nơi có phòng an toàn sinh học cấp 3 thực hiện hai kỹ thuật khó nhất, lần đầu tiên tại Việt Nam, đó là phản ứng trung hòa (tiêm vắc xin vào chuột để kiểm tra chuột có sinh kháng thể trung hòa vi rút không) và test thử thách (cho chuột nhiễm lại vi rút SARS-CoV-2 sau khi tiêm vắc xin để kiểm tra hiệu lực bảo hộ của vắc xin). Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế rút ngắn các thủ tục kiểm định chất lượng vắc xin thử nghiệm. Học viện Quân y dồn lực thử nghiệm lâm sàng... Tất cả để bảo đảm vắc xin có chất lượng cao, sản xuất hàng loạt, giá rẻ để cạnh tranh với các sản phẩm khác.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ nhất trí với đề xuất ưu tiên bố trí nguồn lực để Học viện Quân y tổ chức triển khai dự án “Xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm ở người”, góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tối nguy hiểm ở người tại Việt Nam.