Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy
Đời sống - Ngày đăng : 12:27, 24/06/2021
Đại biểu thành phố dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn; Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố...
Báo cáo với đoàn kiểm tra, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, theo thống kê trong 5 năm (2016-2020), toàn thành phố xảy ra 3.438 vụ cháy, nổ; làm 79 người chết, 129 người bị thương; thiệt hại tài sản ước tính khoảng 1.753 tỷ đồng. Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2021, toàn thành phố xảy ra 165 vụ cháy, nổ khiến 11 người chết, 15 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng hơn 21 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ cháy tăng 14 vụ; tăng 5 người chết, 3 người bị thương, thiệt hại về tài sản tăng khoảng 18 tỷ đồng.
Về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, trong 5 tháng đầu năm 2021, thành phố đã tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy 18.491 lượt cơ sở; phát hiện và kiến nghị cơ sở khắc phục 2.914 tồn tại, thiếu sót; ra quyết định xử phạt 1.328 trường hợp với số tiền phạt 6,4 tỷ đồng; tạm đình chỉ 198 lượt cơ sở, đình chỉ 130 lượt cơ sở.
Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của Hà Nội đã có nhiều bước đổi mới với hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả gắn với từng diện, loại đối tượng cụ thể; góp phần nâng cao ý thức, nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân...
Thành phố cũng quan tâm, chú trọng nâng cao hạ tầng cơ sở phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực của lực lượng tại chỗ nhằm đáp ứng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kết luận buổi làm việc, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thời gian qua. “Những nỗ lực đó giúp Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng đề nghị thành phố gắn trách nhiệm cả hệ thống chính trị trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nhân rộng, hỗ trợ các mô hình phòng cháy, chữa cháy đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn. Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị thành phố quan tâm đầu tư trang, thiết bị, phương tiện, quy hoạch đồng bộ hạ tầng phục vụ phòng cháy, chữa cháy.
“Thành phố cũng cần chăm lo xây dựng lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ”, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy; đồng thời đổi mới phương pháp tuyên truyền nâng cao ý thức người dân thông qua các phương tiện công nghệ, thông tin, truyền thông hiện đại”, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu các địa phương tiếp tục quản lý chặt chẽ các công trình xây dựng, không để xảy ra vi phạm về phòng cháy, bên cạnh đó tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các cơ sở, công trình vi phạm.
“Các quận, huyện, thị xã khẩn trương thành lập các đội dân phòng tại địa bàn còn thiếu, đồng thời quan tâm đầu tư trang bị trang, thiết bị cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ; tập trung quản lý tốt các cơ sở thuộc danh mục quản lý theo đúng quy định…”, đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.