Kết quả phòng, chống Covid-19 của Việt Nam được thế giới ghi nhận
Đời sống - Ngày đăng : 16:57, 24/06/2021
Cụ thể, bình luận về thông tin đăng tải trên báo The New York Times (Mỹ) về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, trong đó cho rằng những khó khăn gần đây về kiểm soát Covid-19 sẽ “đặt dấu chấm hết cho những may mắn trong quá khứ”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Nói Việt Nam may mắn trong phòng, chống dịch Covid-19 là hoàn toàn không khách quan. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, với mục tiêu bảo đảm sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, vừa chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã có những quyết sách, chiến lược, chỉ đạo quyết liệt và sáng tạo từ trung ương đến địa phương. Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp kịp thời, quyết liệt, trong đó có những biện pháp lần đầu tiên được áp dụng trong công tác phòng, chống dịch, như: Ngăn chặn sự lây lan bên ngoài bằng cách hạn chế nhập cảnh, cách ly tập trung toàn bộ người từ nước ngoài vào Việt Nam, tổ chức khoanh vùng dập dịch, truy vết người tiếp xúc với nguồn bệnh trong phạm vi phù hợp, kiểm soát chặt chẽ ở bên trong các khu vực phong tỏa, cách ly những người lây nhiễm và những người có tiếp xúc gần với nguồn bệnh một cách hiệu quả. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh bình thường mới, Bộ Y tế cũng đã đưa ra Thông điệp 5K, gần đây nhất là 5K + vắc xin, để kêu gọi mỗi người dân cùng thực hiện chung sống an toàn với đại dịch. Việt Nam cũng tích cực nghiên cứu ứng dụng công nghệ góp phần tăng cường hiệu quả của việc phát hiện, truy vết, nâng cao khả năng phòng, chống dịch bệnh. Với quyết tâm, nỗ lực và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, người dân và đặc biệt là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, Việt Nam đã vượt qua ba đợt bùng phát dịch bệnh".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng nêu rõ: “Phát huy những kinh nghiệm thành công trong việc đối phó các đợt bùng phát dịch bệnh trước, cộng với sự hiểu biết, năng lực ngày càng cao của đội ngũ nhân viên y tế và năng lực xét nghiệm, Việt Nam cũng đang từng bước kiểm soát được đợt bùng phát dịch thứ tư, đồng thời bảo đảm đời sống, sản xuất của người dân. Hiện nay, Việt Nam cũng đang tích cực triển khai nhanh chóng và hiệu quả chiến lược vắc xin và chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vắc xin trên cả nước theo lộ trình phù hợp, khoa học, hiệu quả, tiến tới miễn dịch cộng đồng”.
“Những kết quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam trong thời gian qua được cộng đồng quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều quốc gia ghi nhận, đánh giá cao. Dư luận báo chí - kể cả báo chí Hoa Kỳ - nhận định Việt Nam là hình mẫu trong phòng, chống dịch bệnh”.
Cũng trong khuôn khổ họp báo, trước đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về ý kiến cho rằng Việt Nam có sự phân biệt đối xử giữa người Việt Nam và người nước ngoài trong việc tiêm chủng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, khẳng định: “Với mục tiêu tiến tới bao phủ tối đa các đối tượng được tiêm vắc xin, đạt miễn dịch cộng đồng để đưa cuộc sống trở lại bình thường, vừa qua, Việt Nam đã tạo điều kiện, tiêm chủng miễn phí cho hơn 600 thành viên cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam và thân nhân. Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ Y tế để thu xếp tiêm vắc xin cho hơn 50 phóng viên và trợ lý báo chí các văn phòng báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam ngay vào đầu tuần tới.
Trên tinh thần nhân đạo, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, hỗ trợ để người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam được bảo đảm sinh hoạt bình thường, an toàn và được giám sát, chăm sóc y tế, điều trị tích cực trong trường hợp cần thiết. Xin khẳng định, Việt Nam không phân biệt đối xử trong quá trình chăm sóc sức khỏe cũng như tiêm chủng giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam. Công dân nước ngoài sẽ được tạo điều kiện tiêm chủng khi Việt Nam tiếp nhận thêm vắc xin phòng Covid-19, hướng tới mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh”.
Cũng tại họp báo thường kỳ, Bộ Ngoại giao khẳng định luôn nỗ lực bảo đảm sức khỏe, chăm sóc y tế, tiêm chủng cho công dân Việt Nam, trong đó có những người lao động Việt Nam, ở nước ngoài.
Cụ thể, trả lời câu hỏi về việc Việt Nam đề nghị các nước và vùng lãnh thổ tiêm chủng cho người lao động Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp như thời gian vừa qua và hiện nay, Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, chỉ đạo Bộ Ngoại giao thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên liên lạc, kịp thời động viên, thăm hỏi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tiến hành các biện pháp hỗ trợ công dân trong trường hợp cần thiết. Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài luôn trao đổi với các cơ quan chức năng ở sở tại đề nghị tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo đảm sức khỏe, chăm sóc y tế, tiêm chủng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, trong đó có những người lao động Việt Nam, ở nước ngoài”.
Cũng trong họp báo, liên quan đến những nỗ lực tạo thuận lợi cho xuất, nhập cảnh theo hướng thúc đẩy công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vắc xin”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống hiệu quả dịch bệnh Covid-19 đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa qua Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Ngoại giao về lộ trình điều chỉnh chính sách xuất, nhập cảnh và biện pháp y tế đối với người nhập cảnh có giấy chứng nhận đã tiêm chủng, hay còn gọi là hộ chiếu vắc xin”.
Cũng theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao cũng đang phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan chức năng có liên quan để nghiên cứu đề xuất tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho xuất, nhập cảnh theo hướng thúc đẩy công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận tiêm chủng - còn gọi là “hộ chiếu vắc xin”, xem xét giảm thời gian cách ly và số lượt xét nghiệm với người đã tiêm vắc xin và đáp ứng kết quả xét nghiệm y tế, đề xuất lộ trình mở rộng đối tượng xuất, nhập cảnh phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Trước đó, trong cuộc gặp ngày 22-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan đã nhất trí về việc hai nước sẽ triển khai nhóm công tác trao đổi về thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chứng chỉ vắc xin Covid-19. Cùng với hợp tác kinh tế số, biện pháp này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế phù hợp với bối cảnh mới.
Để cài đặt Bluezone trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.