Hà Nội: GRDP 6 tháng năm 2021 ước tăng 5,91%

Kinh tế - Ngày đăng : 16:03, 24/06/2021

(HNMO) - Chiều 24-6, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban thường kỳ quý II và 6 tháng đầu năm 2021.

Dự hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông; Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn và lãnh đạo một số sở, ban, ngành thành phố.

Lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn dự hội nghị tại điểm cầu đơn vị, địa phương.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị.

Chỉ số phát triển công nghiệp, xuất khẩu tăng

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, mặc dù chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế Thủ đô thời gian qua vẫn duy trì tăng trưởng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 5,91%, cao hơn 6 tháng đầu năm 2020 (3,39%). Tổng thu ngân sách 6 tháng ước đạt 124.854 tỷ đồng (đạt 53% dự toán Trung ương giao, đạt 49,7% dự toán thành phố giao), bằng 107,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 6 đạt 1,37 tỷ USD, tăng 19,1% so với tháng 5 và giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2020; đưa kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 7,164 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng mừng là đa số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ…

Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 694,26 triệu USD, trong đó có 171 dự án mới với số vốn 96,05 triệu USD; 78 dự án bổ sung vốn với 447,7 triệu USD. Thu hút đầu tư trong nước, ngoài ngân sách đạt 7.105 tỷ đồng. Trên địa bàn thành phố có 13.125 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 165.730 tỷ đồng (tăng 4% về số lượng doanh nghiệp và giảm 7% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước)…

Cùng với đó, ước tính 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng năm 2020 tăng 3,3%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 289.652 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 197.535 tỷ đồng, tăng 9,5%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng ước tăng 1,02-1,07% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,68%; cùng kỳ năm 2019 tăng 4,07%).

Ngoài ra, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội nhìn chung ổn định; bệnh dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát…

Tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Đỗ Anh Tuấn, những tháng cuối năm 2021, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp; giá cả một số mặt hàng đầu vào cho sản xuất có xu hướng tăng sẽ là những lực cản cho phục hồi tăng trưởng kinh tế của Thủ đô. Vì thế, để hoàn thành nhiệm vụ, thành phố tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả.

Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh; đơn giản hóa, cắt giảm triệt để thời gian phê duyệt các thủ tục nhằm giảm thời giờ, chi phí cho doanh nghiệp, nhất là các thủ tục hành chính liên thông, rút gọn đầu mối, rút ngắn thời gian tiếp nhận, xử lý và trả hồ sơ; bảo đảm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu nhanh hơn.

UBND thành phố cũng rà soát cụ thể, chi tiết từng dự án đầu tư công, xác định khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân, tạo vốn thực hiện kích thích phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng thời, thành phố đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư. Thành phố cũng thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành ngân sách năm 2021 theo hướng chủ động, tích cực, bảo đảm an sinh xã hội và cân đối ngân sách…

Bên cạnh đó, thành phố tăng cường nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm an sinh xã hội và kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát huy vai trò của các cơ quan giám sát trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Thành phố sẽ tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn đánh giá, thời gian qua, thành phố đã thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Trung ương, Bộ Y tế. Tuy dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng thành phố không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Sắp tới, để thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19, UBND thành phố giao Sở Y tế chủ động tham mưu và hướng dẫn các quận, huyện, thị xã bảo đảm tiến độ tiêm và tiêm đúng đối tượng; tăng cường quản lý hoạt động tiêm chủng, theo dõi sát tình hình, kịp thời xử lý tai biến sau tiêm chủng; rà soát nhân lực, vật tư, trang thiết bị nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn…

“Về công tác tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì cùng Sở Y tế và các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án tổng thể, chi tiết, hiệu quả, bảo đảm tổ chức thành công, an toàn cao nhất cho kỳ thi”, đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Liên quan đến đời sống dân sinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố nêu việc doanh nghiệp trong lĩnh vực thu gom rác nợ lương người lao động và yêu cầu các địa phương phải kiểm tra, rà soát, chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Về phát triển kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị các đơn vị phấn đấu để đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2021, đặc biệt chú trọng phát triển các lĩnh vực tiềm năng như công nghiệp chế biến, chế tạo..., tập trung quản lý điều hành ngân sách hiệu quả theo dự toán thành phố giao, tập trung cho lĩnh vực thiết yếu...

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị 6 tổ công tác về giải ngân vốn đầu tư của UBND thành phố nắm bắt, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư. “Theo mục tiêu đặt ra, trong quý III-2021, thành phố phải giải ngân đầu tư được 60% và cả năm đạt 100%. Đây là nhiệm vụ quan trọng của thành phố trong năm nay”, đồng chí Lê Hồng Sơn nói.

Đối với nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, UBND thành phố cũng giao các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã rà soát quy trình, quy chế, phân công, phân nhiệm rõ ràng, bảo đảm hiệu quả công việc, hoàn thành trong tháng 7-2021. Bên cạnh đó, để giảm vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, cần rà soát thủ tục hành chính có liên quan đến sản xuất, kinh doanh để ban hành các quyết định về rút ngắn thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực; ban hành quy chế hệ thống quản lý văn bản, trao đổi văn bản điện tử, kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia...

Về một số nhiệm vụ trọng tâm khác, đồng chí Lê Hồng Sơn chỉ đạo Sở Nội vụ tiếp tục chỉ đạo 12 quận, thị xã Sơn Tây chuẩn bị thật tốt để chuẩn bị vận hành thí điểm mô hình chính quyền đô thị, trong đó, chú ý rà soát tiêu chuẩn, điều kiện với đội ngũ cán bộ và sắp xếp lại cán bộ, công chức dôi dư để có hướng giải quyết.

“Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu cho thành phố tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, tập trung tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp gặp phải do đại dịch Covid-19, từ đó tham mưu thành phố báo cáo Chính phủ giải pháp tháo gỡ khó khăn; tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư công”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn kết luận.

Mai Hữu - Đình Hiệp