Thành công của đàm phán biến đổi khí hậu phụ thuộc vào tài chính
Công nghệ - Ngày đăng : 09:02, 25/06/2021
Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 5 tháng là đến Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu (COP26) ở thành phố Glasgow (Scotland), căng thẳng ngày càng gia tăng xung quanh vấn đề tài chính, cụ thể là số tiền mà các quốc gia giàu có đã cam kết tài trợ cho các quốc gia nghèo hơn nhằm mục đích bảo đảm việc cắt giảm khí thải và thích ứng với tình trạng nóng lên toàn cầu.
Các quốc gia giàu có dường như đã không thực hiện cam kết năm 2009 về việc cùng tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm đến năm 2020, đặc biệt thiếu hỗ trợ dành cho những biện pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu như bão nghiêm trọng và nước biển dâng.
Về vấn đề này, Tổng Thư ký Antonio Guterres nhận định, lòng tin cần được xây dựng lại giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển thông qua việc thực hiện lời hứa. Đây không phải là một cam kết mang tính biểu tượng, mà là một cam kết quan trọng.
Theo Reuters, COP26 là cơ hội thuyết phục các quốc gia đẩy nhanh nỗ lực cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đạt được đồng thuận về những quy tắc gây tranh cãi để đưa Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào thực tiễn.
Tại sự kiện này, vấn đề tài chính dành cho khí hậu sẽ là trọng tâm của các cuộc đàm phán, với các khoản đầu tư khổng lồ vào công nghệ carbon thấp cần thiết trong thập kỷ này để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trên phạm vi toàn cầu.
Các quốc gia công nghiệp hóa chịu trách nhiệm với phần lớn lượng khí nhà kính dư thừa tích tụ trong khí quyển. Tuy nhiên, nhiều quốc gia nghèo hơn, kém phát triển hơn lại đang phải gánh chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Trong tháng 6, Nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đồng ý tăng đóng góp tài chính cho khí hậu, nhưng chỉ có Canada và Đức đưa ra cam kết chắc chắn. Ottawa tuyên bố sẽ tăng gấp đôi đóng góp, lên mức 4,4 tỷ USD giai đoạn 5 năm tới, trong khi Berlin cũng đưa ra cam kết 7,26 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2025.