Olympic Tokyo sẽ diễn ra đúng kế hoạch: Quyết tâm của đất nước Mặt trời mọc
Thể thao - Ngày đăng : 07:11, 25/06/2021
Là sự kiện thể thao được mong chờ nhất với Nhật Bản, Thế vận hội mùa hè lần thứ 32 này cũng là kỳ đại hội “lận đận” hiếm hoi trong lịch sử do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dù bị hoãn một năm, lịch trình và các môn thi đấu của Thế vận hội cũng không bị thay đổi. IOC cho biết, sự kiện diễn ra từ ngày 23-7 đến ngày 8-8, với 33 môn thể thao, 339 nội dung và khoảng 15.000 vận động viên tranh tài đến từ 162 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sau khi Olympic kết thúc, Paralympic 2020 sẽ nối tiếp từ ngày 23-8 cũng tại thủ đô Tokyo.
Với mốc thời gian chỉ còn đếm theo tuần, Nhật Bản đang dồn mọi nỗ lực hoàn tất công tác chuẩn bị. Ngày 22-6, cảnh sát Tokyo đã tổ chức diễn tập quy mô lớn. Theo người đứng đầu bộ phận điều phối vận tải Olympic Tokyo 2020 Katsuhisa Saito, ngoài mục đích bảo đảm hoạt động di chuyển của vận động viên, cuộc diễn tập còn kiểm tra các biện pháp phòng dịch Covid-19 như: Khử trùng xe buýt, yêu cầu các vận động viên rửa tay, đeo khẩu trang và không nói chuyện trên xe...
Đáng chú ý, tại Olympic Tokyo, nhiều quy tắc của Thế vận hội cũng lần đầu bị thay đổi sau nhiều năm, trong đó có việc khi lưu trú tại Làng Olympic, các vận động viên không được đi ra ngoài khu vực huấn luyện và không được tổ chức ăn tiệc. Mỗi ngày, các vận động viên đều được lấy mẫu xét nghiệm và yêu cầu đeo khẩu trang ngoại trừ lúc thi đấu, ăn uống và ngủ. Các quan chức Nhật Bản nhấn mạnh, bất cứ ai vi phạm sẽ bị loại khỏi giải đấu.
Bên cạnh việc siết chặt mọi quy định phòng dịch, Ban Tổ chức Olympic Tokyo cho biết cũng sẵn sàng đánh đổi lợi ích kinh tế để hướng tới việc tổ chức sự kiện thành công. Theo công bố, lượng khán giả vào sân theo dõi các trận đấu chỉ ở mức 50% sức chứa của địa điểm thi đấu, tối đa là 10.000 người/điểm. Bất chấp sự mời gọi của các nhà tài trợ, Chính phủ của Thủ tướng Suga Yoshihide nghiêm cấm việc bán đồ uống có cồn và hủy mọi hoạt động theo dõi thi đấu ở nơi công cộng. Chủ tịch Olympic Tokyo 2020 Seiko Hashimoto khẳng định, các lễ hội "sẽ phải bị dập tắt" để giữ cho Thế vận hội diễn ra an toàn nhưng cũng đồng thời động viên các nhà tổ chức và đơn vị đồng hành cần phải sáng tạo để giữ “bầu không khí tiệc tùng” về thể thao.
Chia sẻ với những khó khăn của Nhật Bản để cùng hướng tới một kỳ Thế vận hội thành công, IOC đã cung cấp 40.000 liều vắc xin Pfizer cho đất nước Mặt trời mọc để tiêm phòng cho vận động viên và nhân sự phục vụ thi đấu. Đây được xem là một trong những cách quan trọng để Thế vận hội diễn ra an toàn và thành công nhất có thể.
Trong các cuộc hội đàm mới đây với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng bày tỏ tin tưởng Thế vận hội sẽ được tổ chức thành công, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết ủng hộ Thủ tướng Suga Yoshihide. Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ vui mừng khi cùng tham gia lễ khai mạc. Tuyên bố chung của hội nghị các nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7) vừa qua cũng thể hiện sự ủng hộ đối với Nhật Bản trong việc tổ chức Olympic Tokyo 2020.
Với nỗ lực to lớn của Nhật Bản và sự hợp tác chặt chẽ của các nước, thế giới có quyền hy vọng vào một kỳ Thế vận hội thành công rực rỡ. Điều này là dấu mốc quan trọng thể hiện nghị lực, ý chí quyết tâm vượt mọi khó khăn của đất nước Mặt trời mọc.