Chủ động bảo vệ sản xuất công nghiệp

Xã hội - Ngày đăng : 07:57, 26/06/2021

(HNM) - Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã có sự chủ động bảo vệ sản xuất tại các doanh nghiệp công nghiệp, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng về vấn đề này.

Nhân viên bảo vệ đo thân nhiệt cho công nhân tại Công ty Yamaha Motor Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Kiều Giang

- Sở Công Thương Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Ông có thể cho biết, qua kiểm tra, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp sản xuất công nghiệp được thực hiện như thế nào?

- Đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh quan điểm là không để đứt gãy chuỗi sản xuất. Thành phố đã giao Sở Công Thương Hà Nội làm cơ quan thường trực, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì sản xuất tại doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Qua kiểm tra, nhìn chung, việc chuẩn bị phòng, chống dịch Covid-19 được UBND huyện, ban quản lý các cụm công nghiệp cũng như các doanh nghiệp triển khai bài bản và hiệu quả. Các doanh nghiệp đã tuân thủ quy định, như thông điệp "5K" (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) của Bộ Y tế, quản lý chặt chẽ người lao động; bố trí sản xuất giãn cách, làm việc trực tuyến để giảm số người tập trung. Các phân xưởng, trụ sở được vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên… Đặc biệt, các ban chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ an toàn Covid-19 được thành lập và hoạt động hiệu quả. Các doanh nghiệp đã đề cao công tác phòng, chống dịch, bởi ngoài mục tiêu bảo vệ con người, bảo vệ sản xuất, thì việc làm tốt công tác này còn đóng góp chung cho nỗ lực của toàn thành phố.

- Từ thực tế kiểm tra, theo ông còn vấn đề tồn tại nào không?

- Qua kiểm tra vẫn còn một số đơn vị chưa thật sự sâu sát trong phòng, chống dịch Covid-19. Ví dụ như Cụm công nghiệp Thanh Oai (huyện Thanh Oai) vẫn còn tồn tại đường dân sinh đi qua cụm công nghiệp nên khó kiểm soát người ra vào. Một số doanh nghiệp chưa làm tốt việc cập nhật thông tin người lao động... Qua kiểm tra, chúng tôi đã khuyến cáo khắc phục và cần phải nâng cao hơn nữa mức độ cảnh giác với dịch bệnh.

- Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Sở Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ các doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?

- Vừa qua, Sở Công Thương đã phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ ATALINK xây dựng giải pháp khai báo trực tuyến phòng, chống dịch Covid-19 giúp các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quản lý người lao động; cập nhật khai báo với cơ quan chức năng thông tin liên quan đến kiểm soát, phòng, chống dịch nhanh chóng, chính xác. Hệ thống này được cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, thông qua kiểm tra, làm việc với các doanh nghiệp, chúng tôi cũng tập hợp kiến nghị của doanh nghiệp để báo cáo thành phố xem xét, có cơ chế, chính sách hỗ trợ giúp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất. Cùng với đó, Sở đã ban hành hướng dẫn việc xây dựng phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về hướng dẫn phương án phòng, chống dịch?

- Với tình huống chưa có ca bệnh, hướng dẫn nêu cụ thể các vấn đề từ công tác chỉ đạo điều hành đến kiểm soát dịch bệnh thông qua việc truyền thông, tổ chức tập huấn, thành lập chốt kiểm tra dịch bệnh, tổ chức làm việc, bảo đảm môi trường làm việc và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người lao động…

Trong trường hợp có ca bệnh dương tính tại doanh nghiệp trong cụm công nghiệp, chúng tôi đã xây dựng các biện pháp chống dịch cần làm ngay như phong tỏa tạm thời toàn bộ doanh nghiệp hoặc phân xưởng, dây chuyền sản xuất; tách F0, truy vết F1 thần tốc, triệt để tại doanh nghiệp… Hướng dẫn cũng nêu các biện pháp xử lý dịch tiếp theo khi có kết quả xét nghiệm của công nhân với các tình huống cụ thể như phát hiện thêm nhiều trường hợp dương tính trong doanh nghiệp; phát hiện thêm các ca dương tính trong doanh nghiệp nhưng các trường hợp này chỉ trong cùng 1 phân xưởng, dây chuyền sản xuất hoặc tất cả các mẫu xét nghiệm còn lại trong doanh nghiệp đều âm tính…

Đáng chú ý, hướng dẫn phân công rõ nhiệm vụ của các đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện. Cụ thể, với Sở Công Thương sẽ thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phụ trách các cụm công nghiệp trên địa bàn. Sở cũng có nhiệm vụ thường xuyên rà soát đối với những người lao động có nguy cơ cao, người lao động là chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp… UBND quận, huyện, thị xã có cụm công nghiệp, các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp được yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Tổ an toàn Covid-19 để thực hiện công tác phòng, chống dịch; xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống dịch với các quy định và chế tài xử lý vi phạm nếu người lao động không tuân thủ…

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Thanh Hải