Yêu thương mẹ được cất lên thành lời
Sách - Ngày đăng : 05:09, 27/06/2021
Đọc trang viết của những người con thành danh như nhà văn Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ, Đỗ Bích Thúy, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Phạm Thị Ngọc Liên, dịch giả Thụy Anh, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nhà báo Tạ Bích Loan, họa sĩ Lê Thiết Cương, kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương..., ta nhận ra rằng, đằng sau sự thành công của một người con, hầu hết luôn hiện hữu bóng hình của một người mẹ.
Mẹ của nhà thơ Trần Nhuận Minh và nhà thơ Trần Đăng Khoa chưa bao giờ được cắp sách đến trường. Nhưng chính “từng câu thơ đã thuộc vẹt mà nhận ra mặt chữ in” bà ru con ngày ngày, những câu chuyện cổ tích bà kể từng đêm hay nếp sống gần gũi với thiên nhiên của bà đã nuôi dưỡng tâm hồn các con, “dẫn các con đến với văn chương”.
“Má Quỳnh” của nhà báo Lưu Minh Vũ không chỉ là nhà thơ Xuân Quỳnh nổi tiếng, không chỉ chăm sóc con như bao người mẹ khác, mà “cao hơn đó là tình cảm của người mẹ dành cho con riêng của chồng, như trong câu thơ má từng viết: Con làm bằng yêu thương/ Của cha và của mẹ/ Của bà và của ông/ Của má nữa - biết không/ Con làm bằng tất cả”.
Mẹ của nhà báo Tạ Bích Loan hay mẹ của họa sĩ Lê Thiết Cương lại làm con mình nhung nhớ khôn nguôi bằng những món ăn giản dị đượm “mùi của mẹ”. Phép màu diệu kỳ của ký ức đã lưu giữ mãi trong tiềm thức hương vị gắn liền với mẹ, với những năm tháng tuổi thơ để mỗi đứa con khi trưởng thành “ngoảnh đi ngoảnh lại cũng đã nửa thế kỷ rồi mà vẫn nhớ”.
Đọc “Mẹ và con”, càng tuyệt vời hơn khi cảm nhận ở đó không chỉ tình mẫu tử, những bài học lý trí và dạy con cách sống ở đời của mẹ mà còn là tình yêu đôi lứa vẹn tròn, là hôn nhân viên mãn, để dù cuộc sống có những đận khó khăn thì yêu thương luôn tràn đầy trong gia đình trở thành suối nguồn tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn các con. Đó là trang viết của dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư về “người bạn đời đặc biệt của cha tôi - nhà văn Nguyên Hồng”; là những phác họa của Phan An Sa về “bóng hình mẹ qua mấy vần thơ của cha” - học giả Phan Khôi; là “tình yêu trong trẻo đầy ắp lý tưởng” của bố mẹ dịch giả Thụy Anh, là câu chuyện kể của kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương về mẹ - cô tiểu thư Hà thành đã “xếp lại tơ lụa lên đường kháng chiến” theo chồng - kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật...
Gần 40 bài viết xúc động trong tập sách “Mẹ và con”, dù là tình mẹ con của những người nổi tiếng thì những yêu thương, vun vén, hy sinh trong đó đều giống như bao bà mẹ Việt Nam “từ lúc nào để lại cho ta vô vàn bài học mà mỗi khi nhớ lại mới thấy ngấm”. Như nhà báo Tạ Bích Loan đã bày tỏ: “Mẹ đã bình dị như nước nguồn, như ruộng vườn, sống để cho tặng, để hy sinh mà không khi nào đòi, không cần nhận lại. Sống vì người khác”.