Thành phố Hồ Chí Minh phân chia 3 khu vực chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ
Đời sống - Ngày đăng : 19:37, 28/06/2021
Chia 3 khu vực theo cấp độ dịch
Sau khi triển khai xong mô hình 3 tầng cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch đáng chú ý khác.
Thứ nhất là việc phân loại địa bàn. Căn cứ theo mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, các quận, huyện có nguy cơ rất cao gồm: Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Tân Phú và một phần của thành phố Thủ Đức.
Nơi có nguy cơ cao là các quận, huyện Gò Vấp, Củ Chi, quận 1, Bình Thạnh, Tân Bình, quận 5, quận 4, quận 12 và một phần của thành phố Thủ Đức (quận 2 và quận 9 cũ). Các quận có nguy cơ gồm Cần Giờ, quận 10, quận 11, quận 7, Phú Nhuận. Việc phân chia địa bàn nhằm áp dụng các cấp độ phòng dịch khác nhau trong thời gian tới tại thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, thành phố sẽ thành lập 2 trung tâm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Thứ nhất là Trung tâm Thông tin để thu thập, kết nối dữ liệu, thực hiện việc phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh. Thứ hai là Trung tâm Phân phối trang thiết bị y tế có đủ thẩm quyền để đáp ứng kịp thời việc cung ứng thiết bị, vật tư cho công tác phòng, chống dịch.
Thời gian tới đây, thành phố Hồ Chí Minh sẽ coi xét nghiệm nhanh là một trong các công cụ hữu hiệu để sàng lọc Covid-19 trong cộng đồng. Trước mắt, số 80.000 bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh vừa được Bộ Y tế chuyển vào sẽ được sử dụng ngay trong các khu công nghiệp và địa bàn có nguy cơ cao.
Phân cấp chỉ huy phòng dịch triệt để
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, thành phố là cấp chỉ huy chiến dịch, huyện là chỉ huy trực tiếp và toàn diện. Chủ tịch UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức toàn quyền quyết định một số vấn đề, trong đó có việc ra lệnh phong tỏa các khu vực trên địa bàn.
Tại các khu cách ly của thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh thành phố là cơ quan chỉ huy. Các thành viên gồm các lực lượng công an, y tế, chính quyền địa phương, cơ quan tài nguyên và môi trường, thông tin và truyền thông, an toàn thực phẩm. Các thành viên Ban Chỉ đạo sẽ xử lý các vấn đề về phòng, chống dịch tại khu cách ly dưới sự điều phối của quân đội.
Người bị cách ly, phong tỏa được lấy mẫu xét nghiệm hằng ngày (cả xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR). Khu cách ly được trang bị wifi. Không sử dụng trường học làm khu cách ly, vì phải dùng chung nhà vệ sinh, dẫn tới nguy cơ lây nhiễm chéo. Chỉ cách ly tại phòng khép kín.
Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, nhấn mạnh: “Quan điểm phòng, chống dịch của thành phố Hồ Chí Minh là áp dụng triệt để các biện pháp để phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh. Cùng với đó, không để mọi hoạt động bị ách tắc, đặc biệt việc cung ứng lương thực, thực phẩm phải bảo đảm không để người dân bị thiếu. Toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao nhất cho phòng, chống dịch, cố gắng đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất có thể”.
Tính từ 18h ngày 27-6 đến 18h ngày 28-6, thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 218 trường hợp nhiễm mới. Các trường hợp này bao gồm: 204 trường hợp là các tiếp xúc với các bệnh nhân đã được công bố trước đó, được cách ly hoặc nằm trong khu vực phong tỏa; 11 trường hợp mới phát hiện đang điều tra dịch tễ; 1 trường hợp phơi nhiễm nghề nghiệp; 2 trường hợp phát hiện trong thời gian theo dõi sau cách ly tập trung.