Thành phố Hồ Chí Minh: Linh hoạt thu phí hạ tầng cảng biển

Kinh tế - Ngày đăng : 07:29, 28/06/2021

(HNM) - HĐND thành phố Hồ Chí Minh vừa có quyết định lùi thời gian thu phí sử dụng hệ thống hạ tầng cảng biển đến ngày 1-10-2021 thay vì ngày 1-7 như nghị quyết ban hành trước đó. Cùng với chính sách linh hoạt và kịp thời này, để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thành phố cũng đang tập trung hoàn tất hệ thống thu phí tự động để sẵn sàng cho việc đưa vào vận hành.

Cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh) đảm nhận 33% khối lượng lưu thông hàng container xuất nhập khẩu của cả nước.

Chính sách phù hợp, kịp thời

HĐND thành phố Hồ Chí Minh vừa điều chỉnh thời gian thu phí hạ tầng cảng biển, bắt đầu từ 0h ngày 1-10-2021, lùi 3 tháng so với mốc thời gian từ ngày 1-7. Theo đánh giá của UBND thành phố Hồ Chí Minh, số tiền dự thu trong 3 tháng này là hơn 720 tỷ đồng, được xem như khoản hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu để bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Về phía doanh nghiệp vận tải hàng hóa, Giám đốc Công ty Vận tải Minh Liên (quận Bình Thạnh) Đỗ Xuân Phú rất đồng tình với quyết định trên. “Trong bối cảnh doanh nghiệp vận tải hàng hóa đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc lùi thời gian thu phí sẽ hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều để sớm vượt qua đại dịch”, ông Đỗ Xuân Phú chia sẻ.

Còn Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố Bùi Văn Quản cho rằng, hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố hiện chưa đáp ứng yêu cầu, thường gây ra tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông. Do đó, việc thu phí để tái đầu tư các tuyến đường trong cụm cảng khi ngân sách nhà nước còn khó khăn là hoàn toàn hợp lý. Song, quyết định lùi thời gian thu phí của HĐND thành phố rất kịp thời, đáp ứng nguyện vọng của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho biết, cảng biển thành phố là cảng biển tổng hợp đầu mối khu vực loại 1, đóng vai trò chủ đạo kết nối vận tải hàng hải của khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, với sản lượng hàng hóa lưu thông cao nhất cả nước, gồm 4 khu cảng chính là: Cát Lái, Nhà Bè, Hiệp Phước và trên sông Sài Gòn. Theo dự báo, lượng hàng hóa thông qua cảng biển thành phố đến năm 2030 đạt 236,9 triệu tấn, trong đó, riêng lượng hàng container khoảng 9,14 triệu teus (đơn vị đo khả năng chứa của cảng container).

Tất cả đã sẵn sàng   

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Bùi Hòa An, công tác thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển hết sức cần thiết nhằm huy động nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng, nâng cấp, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các bến cảng, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông… Từ đó, nâng cao hiệu quả khai thác, giảm dần chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho thành phố. “Ước tính, khoản thu mỗi năm đạt khoảng 3.000 tỷ đồng để đầu tư, mở rộng các tuyến đường ra vào cảng”, ông Bùi Hòa An cho hay.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, trong tháng 6 này, các đơn vị liên quan hoàn tất công tác kết nối hệ thống thu phí để sẵn sàng cho việc chạy thử nghiệm. Toàn bộ quá trình thu phí đều tự động.

Cụ thể, việc thu phí không dùng tiền mặt mà thanh toán qua hệ thống điện tử của các ngân hàng thương mại hoặc các ví điện tử. Người nộp phí kê khai thông tin hàng hóa trên hệ thống thông quan điện tử của cơ quan hải quan. Sau đó, người nộp phí thực hiện khai nộp phí bằng cách nhập thông tin số tờ khai hải quan xuất nhập khẩu lên hệ thống thu phí của cảng vụ. Hệ thống thu phí tự động sẽ thông tin về số tiền phải nộp. Bước tiếp theo, người nộp phí sử dụng ứng dụng thanh toán 24/7 của các ngân hàng thương mại hoặc ví điện tử để nộp phí. Biên lai điện tử sẽ được tạo tự động và gửi cho người nộp để họ hoàn tất thủ tục ra vào cảng. “Việc đối soát dữ liệu thu phí thực hiện tự động định kỳ giữa Cục Hải quan, Cảng vụ Đường thủy nội địa, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cảng, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh các sai sót có thể mắc phải nếu thu phí thủ công”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn thông tin.

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Bùi Hòa An cho biết thêm, thành phố sẽ triển khai thu thử nghiệm nhằm đánh giá các tình huống phát sinh như lỗi hệ thống thu phí, không thống nhất với số tiền nộp phí, sai tờ khai thu phí… Các trường hợp trên sẽ được khắc phục triệt để trước khi chính thức thực hiện thu phí. Cùng với việc đầu tư cho các công trình giao thông kết nối cảng biển, nguồn thu này sẽ bổ sung cho ngân sách thành phố Hồ Chí Minh để tập trung xây dựng các công trình giao thông khác xung quanh cảng biển giai đoạn 2021-2025.

Hà Phạm