Nâng giá trị Giải thưởng chất lượng quốc gia
Đời sống - Ngày đăng : 06:30, 29/06/2021
Giải thưởng uy tín
Giải thưởng chất lượng quốc gia là giải thưởng nhà nước duy nhất về chất lượng, được Thủ tướng Chính phủ trao tặng và nằm trong hệ thống giải thưởng của Tổ chức Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương. Chính thức triển khai từ năm 1996, giải thưởng được xét tặng hằng năm cho những doanh nghiệp có tinh thần đổi mới sáng tạo, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội, tiêu biểu cho trí tuệ, công nghệ và sản phẩm Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, giải thưởng này có quy trình đánh giá và xét thưởng chặt chẽ, thống nhất dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch và khách quan với sự tham dự của hầu hết cơ quan quản lý nhà nước cũng như đại diện các tổ chức có liên quan. Đến nay, đã có 2.030 lượt doanh nghiệp đạt giải thưởng và các doanh nghiệp này đều áp dụng hiệu quả các hệ thống, công cụ quản lý, như: ISO 9001, ISO 14001, TQM, GMP, HACCP, 5S, Kaizen…
"Trong hai năm 2019-2020, mặc dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng doanh thu của các doanh nghiệp này vẫn là hơn 192 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận là hơn 17 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 7 nghìn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 100 nghìn lao động", Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Linh thông tin thêm.
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong Chu Văn Phương, doanh nghiệp tham gia giải thưởng hơn 15 năm nay và đã vinh dự nhận giải Vàng - Giải thưởng chất lượng quốc gia vào năm 2010 và năm 2019. Từ đó đến nay, công ty luôn hoàn thiện về công nghệ, quy trình sản xuất cũng như áp dụng các hệ thống, công cụ quản lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều đó giúp nâng cao năng suất lao động, sản xuất theo hướng tinh gọn, tối ưu hóa sản xuất, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững.
“Trong hơn 10 năm trở lại đây, doanh thu của công ty tăng trưởng bình quân 10%/năm. Năm 2020, dù bị tác động bởi dịch Covid-19, song tổng doanh thu của công ty đạt khoảng 5.400 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 560 tỷ đồng”, ông Chu Văn Phương cho biết.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Sao Thái Dương có năm đầu tiên tham gia và nhận giải Vàng - Giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2020. Bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho rằng, đây là kết quả của quá trình nỗ lực xây dựng và định hướng phát triển của doanh nghiệp trong 20 năm qua. Việc tham dự giải thưởng giúp công ty có điều kiện học hỏi, đánh giá và cải tiến toàn diện các hoạt động quản lý, chất lượng sản phẩm... Đây cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
"Các doanh nghiệp tham gia giải thưởng sẽ có điều kiện tiếp cận mô hình quản lý doanh nghiệp tiên tiến, được các chuyên gia có kinh nghiệm tư vấn và hỗ trợ trong việc cải tiến các hệ thống quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ nhận được các quyền lợi, như: Được ưu tiên vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia...", Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Linh cho hay.
Mục tiêu phấn đấu của doanh nghiệp Việt
Đánh giá về tính toàn diện của giải thưởng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, mỗi lần tham gia giải thưởng là một lần doanh nghiệp phải xem lại toàn bộ hệ thống của mình, từ tầm tư duy quản lý điều hành, định hướng các hoạt động của doanh nghiệp đến việc điều hành doanh nghiệp, kể cả vấn đề đầu vào, đầu ra, quản trị tri thức, quản trị nhân lực và xây dựng thương hiệu. Tất cả hệ thống này được thể hiện khá đầy đủ trong 7 hệ tiêu chí của giải thưởng.
Là đơn vị được Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ trì, thực hiện triển khai giải thưởng, theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Linh, thời gian tới, Tổng cục sẽ nghiên cứu, xây dựng công cụ tự đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý cho các doanh nghiệp. Công cụ này sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện việc tự đánh giá, xác định hiện trạng về trình độ và chất lượng quản lý, xác định những thành tựu và điểm yếu, từ đó đề ra các biện pháp cải tiến, hoàn thiện mô hình hoạt động, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm...
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ sẽ thiết lập các chính sách để ngoài việc được tôn vinh, trao giải thưởng, các doanh nghiệp còn được hưởng những ưu đãi về tiếp cận và phát triển thị trường, nâng cao năng suất chất lượng, hỗ trợ đổi mới sáng tạo…, giúp giá trị của giải thưởng ngày càng được nâng cao và trở thành chuẩn mực cho nhiều doanh nghiệp hướng tới.