Bài cuối: Đồng lòng triển khai thành công

Cải cách hành chính - Ngày đăng : 06:33, 30/06/2021

(HNM) - Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội là việc chưa có tiền lệ nên không tránh khỏi những khó khăn. Tuy vậy, với sự chỉ đạo sát sao, quyết tâm cao từ trung ương đến thành phố, cùng sự đồng lòng triển khai ở cấp cơ sở, tin tưởng việc thí điểm sẽ diễn ra thành công.

Với mô hình chính quyền đô thị, đội ngũ công chức làm việc tại phường phải có những tiêu chuẩn đáp ứng được yêu cầu công việc trong giai đoạn mới. Trong ảnh: Cán bộ giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” phường Khâm Thiên (quận Đống Đa).

Những băn khoăn...

Thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị cùng với việc không còn HĐND phường. Do đó, không ít người băn khoăn là ai sẽ giám sát hoạt động của UBND phường và việc thực hành quyền dân chủ, giám sát của nhân dân được thực hiện thông qua hình thức nào, hiệu quả ra sao?

Bên cạnh đó, trong quá trình chuẩn bị để thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, một trong những lo ngại chung tại nhiều địa phương là chưa có nội dung nào quy định cụ thể vấn đề cơ chế, chính sách đối với cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường. Về vấn đề này, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam kiến nghị thành phố Hà Nội làm việc với Ban Tổ chức Trung ương, sớm có hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện.

Còn theo lãnh đạo các phường: Điện Biên (quận Ba Đình), Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng)… số lượng cán bộ, công chức trong thời gian qua là hơn 20 người/phường đã nhiều khi bị quá tải, thậm chí còn phải ký thêm hợp đồng lao động mới hoàn thành khối lượng công việc. “Quy định mức bình quân mỗi phường 15 công chức là rất tiến bộ, nhưng chúng tôi vẫn đang chờ xem sẽ được quận phân bổ bao nhiêu công chức, có đủ số người để làm việc không”, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) Nguyễn Xuân Chinh cho hay.

Với mô hình chính quyền đô thị, UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, tức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức có toàn quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi vấn đề trong phạm vi thẩm quyền. Điều này đòi hỏi nhân sự Chủ tịch UBND phường phải có năng lực, trình độ, phẩm chất và trách nhiệm cao. Tương tự, đội ngũ công chức làm việc tại phường cũng phải có những tiêu chuẩn đáp ứng được yêu cầu công việc trong giai đoạn mới. Một số đơn vị mong muốn sớm có hướng dẫn kịp thời để triển khai, bởi trước đây việc thực hiện nhiệm vụ căn cứ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, còn tới đây là theo nghị định mới mà hiện vẫn chưa có đầy đủ hướng dẫn chi tiết.

Giải pháp mới trong tình hình mới  

Giải đáp các băn khoăn, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà thông tin, đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, thành phố Hà Nội đã báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để có hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cũng khẳng định, khi không tổ chức HĐND phường thì quyền dân chủ và giám sát của nhân dân vẫn được bảo đảm, được tăng cường hơn bằng hình thức trực tiếp của nhân dân hoặc gián tiếp qua các tổ chức, đoàn thể khác ở địa phương. Cụ thể, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và trực tiếp người dân sẽ thực hiện giám sát việc tuân thủ pháp luật tại địa phương. HĐND quận sẽ giám sát UBND phường trong việc thực hiện các nhiệm vụ mà HĐND, UBND quận giao UBND phường thông qua hoạt động giám sát của các tổ đại biểu HĐND quận…

Chia sẻ về việc lựa chọn lãnh đạo UBND phường, Trưởng ban Tổ chức Thị ủy, Trưởng phòng Nội vụ thị xã Sơn Tây Đỗ Thị Lan Hương cho biết: “Chúng tôi căn cứ trên tình hình thực tế, lựa chọn cán bộ có năng lực, trình độ, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu công việc khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Cùng với đó, để tránh việc lạm quyền của Chủ tịch UBND phường thì các cơ quan cấp trên cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra...”.

Bày tỏ quyết tâm, Chủ tịch UBND phường Lê Lợi (thị xã Sơn Tây) Nguyễn Mạnh Hùng nói: “UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng thì trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường sẽ phải cao hơn, áp lực lớn hơn, song tôi sẽ tiếp tục không ngừng nỗ lực, cố gắng để đảm đương trọng trách được phân công”.

Theo dõi suốt quá trình từ lúc đề xuất, xây dựng đề án, góp ý đến các khâu chuẩn bị áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đánh giá: “Hà Nội đã rất quan tâm đến vấn đề này, tham gia đóng góp nhiều ý kiến bổ ích, trí tuệ, làm nên những điểm ưu việt của Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về "Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội". Chính những điểm mới về việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị sẽ giải phóng được nguồn lực, phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của các địa phương trong quá trình phục vụ người dân một cách tốt nhất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.      

Với quyết tâm chính trị cao cùng việc chuẩn bị có lộ trình một cách kỹ lưỡng, bài bản, thận trọng của các cấp, ngành và các quận, thị xã Sơn Tây, tin tưởng rằng, việc vận hành thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội sẽ thành công, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn phát triển Thủ đô trong tình hình mới.

Hiền Chi