Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 24,33 tỷ USD
Nông nghiệp - Ngày đăng : 15:40, 30/06/2021
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 3,84%; tốc độ tăng GDP ngành nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm tăng 3,82%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,69%; lâm nghiệp tăng 3,98%; thủy sản tăng 4,25%. Mặc dù chịu tác động từ đại dịch Covid-19, nhưng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn tăng mạnh, đạt kết quả cao vượt kế hoạch đề ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đạt hơn 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước.
Với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu cả năm 2021 phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3-3,2%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,2-3,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 khoảng 45 tỷ USD.
Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thực hiện "mục tiêu kép" phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 45 tỷ USD trong năm nay là vấn đề đầy thách thức bởi các thị trường xuất khẩu đưa ra các rào cản thương mại, chi phí đầu vào như logistics, thức ăn chăn nuôi, phân bón... đang tăng cao. Để đạt mục tiêu xuất khẩu, cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, phân tích thông tin, dự báo thị trường trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là các thị trường trọng điểm; kịp thời cảnh báo và tháo gỡ rào cản, vấn đề phát sinh khi xuất khẩu; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài nhằm quảng bá sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm sạch, an toàn...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, câu chuyện của quả vải thiều Bắc Giang, Hải Dương là gợi ý định hướng tiêu thụ nông sản Việt Nam trong thời gian tới. Không phải tiêu thụ bao nhiêu tấn vải mà mô hình gì để mang lại giá trị trong tiêu thụ nông sản bền vững. Do đó, thời gian tới, Bộ NN&PTNT cùng các bộ sẽ tổng kết để có kịch bản thường trực ứng phó khi thị trường biến động; đồng thời, có tư duy mới kích hoạt cả hệ thống trong kết nối thông tin, dữ liệu giữa cung - cầu. Từ thông tin đó, Bộ NN&PTNT sẽ tính toán lại lịch thời vụ để tránh trùng thời vụ của nước nhập khẩu. Nếu giải quyết được điều này thì ngành Nông nghiệp sẽ làm chủ lịch thời vụ, chủ động thông tin nguồn cung, khi đó, chắc chắn nông sản không bị ùn ứ dù trong bối cảnh có hay không có dịch Covid-19. "Người tiêu dùng biết được rõ ràng xuất xứ nguồn gốc nông sản, trung tâm thương mại hiểu rõ vùng nguyên liệu trong từng thời điểm, không phải đợi tới thu hoạch mới tính tới phân phối thế nào mà cần được dự báo trước để mang lại hiệu quả cho nông dân", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.