Chủ động chống dịch sốt xuất huyết

Xã hội - Ngày đăng : 06:24, 02/07/2021

(HNM) - Hiện số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thời tiết hiện nay đang là điều kiện thuận lợi gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh này. Do đó, bên cạnh tập trung thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, thành phố đã và đang tăng cường các biện pháp để chủ động phòng dịch sốt xuất huyết, bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Phun thuốc diệt muỗi để phòng, chống sốt xuất huyết tại một công trình xây dựng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Đỗ Tâm

Nguy cơ hiện hữu...

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ ngày 21 đến 27-6, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 39 ca mắc sốt xuất huyết tại 31 xã, phường thuộc 14 quận, huyện (tăng 4 ca so với tuần trước đó). Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 221 ca mắc sốt xuất huyết, chưa có trường hợp tử vong; trong đó những quận, huyện có số ca mắc nhiều nhất là: Đống Đa với 49 ca, Hai Bà Trưng 38 ca, Hoài Đức 35 ca, Nam Từ Liêm 14 ca.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, so với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố giảm hơn 50%. Dù vậy, thời tiết nắng nóng cùng mưa nhiều như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và lây bệnh. Thời gian tới, nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng. Do đó, cùng với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương phải tăng cường triển khai chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà lưu ý, khi bị sốt kéo dài, nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà. Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn phải tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các xã, phường, thị trấn.

Theo chu kỳ 4 năm 1 lần, dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát mạnh ở miền Bắc. Năm 2017, dịch bệnh này gia tăng mạnh ở khu vực này, trong đó Hà Nội trở thành "điểm nóng" với 37.651 ca mắc và 7 trường hợp tử vong. Năm 2021 đúng vào chu kỳ nói trên nên dự báo tiềm ẩn nguy cơ lớn sốt xuất huyết bùng phát thành dịch. Điều này đặt ra cho các địa phương cùng người dân Thủ đô yêu cầu phải chủ động các biện pháp phòng chống, tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh sốt xuất huyết.

Tăng cường kiểm tra từ mỗi hộ dân

Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn. Ảnh: Trang Thu

Cách đây 3 tuần, huyện Hoài Đức là địa bàn dẫn đầu thành phố về sốt xuất huyết với 3 ổ dịch. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức Trần Quang Tuấn, gần như năm nào, huyện cũng trở thành “điểm nóng” về sốt xuất huyết.

“Công tác phòng, chống dịch bệnh này chủ yếu là sử dụng biện pháp phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy. Huyện đã tăng cường tuyên truyền, triển khai các tổ giám sát phòng, chống sốt xuất huyết và tổ xung kích diệt bọ gậy “đến từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân vệ sinh môi trường, nhất là ở những xã có ổ dịch, đồng thời bố trí thời điểm phun hóa chất hợp lý, bắt đầu từ 6h và 17h hằng ngày. Đến nay, tỷ lệ phun hóa chất trên địa bàn huyện tăng lên 97%. Sau khi phun, chỉ số muỗi, vật chủ trung gian truyền bệnh đã giảm hẳn, các ổ dịch được khống chế, xử lý triệt để. Thời điểm trước đây, huyện ghi nhận từ 8 đến 9 ca mắc sốt xuất huyết/tuần, thì hiện tại giảm còn 1-2 ca/tuần”, ông Trần Quang Tuấn nói.

Quận Nam Từ Liêm cũng là địa bàn “nóng” về sốt xuất huyết của Thủ đô, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, dù tập trung phòng, chống dịch Covid-19, nhưng quận vẫn không quên triển khai các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh trong mùa hè, nhất là sốt xuất huyết. Trong tháng 4 và tháng 5-2021, quận đã triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, đồng thời tổ chức định kỳ việc giám sát muỗi truyền bệnh tại các ổ dịch cũ. Qua giám sát, nếu phát hiện địa điểm nào có nguy cơ, mật độ côn trùng cao, quận sẽ đề nghị phường sở tại triển khai ngay chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất…

Về vấn đề này, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các biện pháp tiêu diệt bọ gậy. Đặc biệt, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã phải triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương, bảo đảm phun hóa chất đúng kỹ thuật, giám sát vật chủ trung gian truyền bệnh trước và sau khi xử lý.

“Cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, của ngành Y tế, mỗi người dân, gia đình, hằng ngày, hằng tuần nên thực hiện vệ sinh môi trường, loại bỏ vật dụng chứa nước, tổ chức diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi. Không có lăng quăng, bọ gậy, không có muỗi vằn, sẽ không có sốt xuất huyết”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà lưu ý.

Thu Trang