Phát triển cụm công nghiệp theo hướng sản xuất sạch, công nghệ cao
Kinh tế - Ngày đăng : 15:56, 02/07/2021
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2020, cả nước có 968 cụm công nghiệp đã được thành lập, phân bố tại 63 tỉnh, thành phố (với tổng diện tích đất gần 31.000ha). Trong đó, có 450 cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng (chiếm 46,5%), các cụm công nghiệp còn lại do trung tâm phát triển cụm công nghiệp, ban quản lý cụm công nghiệp cấp huyện, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở công thương và các đơn vị khác làm chủ đầu tư.
Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) đánh giá, việc phát triển cụm công nghiệp thời gian qua đã góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ở địa phương theo định hướng quy hoạch; đã có chuyển biến tích cực trong việc thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế như việc chấp hành một số nội dung, quy định ở một số địa phương còn chưa nghiêm túc; tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng còn chậm; nhiều địa phương chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đủ mạnh để hoàn thiện đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, từ năm 2018 đến nay, Hà Nội đã thành lập được 42 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 753ha, tổng số vốn đầu tư là 16.150 tỷ đồng. Hà Nội quyết tâm trong năm 2021 sẽ khởi công xây dựng được 20 cụm công nghiệp, tập trung phát triển theo hướng sản xuất công nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường… Tuy nhiên, công tác quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, từ quy hoạch đến giải phóng mặt bằng, lựa chọn chủ đầu tư.
Thành phố mong muốn Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan có văn bản tháo gỡ khó khăn về công tác quy hoạch, trình tự thủ tục điều chỉnh trong quy hoạch, bổ sung mới, điều chỉnh cũng như triển khai quy hoạch 1/500 các cụm công nghiệp, vì trong giai đoạn hiện nay có sự giao thoa giữa quy hoạch ngành và quy hoạch của các tỉnh, thành phố...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, thời gian tới, các địa phương cần quán triệt thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách về phát triển cụm công nghiệp; thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư, hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp; đổi mới công tác quản lý, khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển cụm công nghiệp trên cơ sở lợi thế địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị và Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung kịp thời những vấn đề bất cập, trong đó có những quy định cứng nhắc, chưa phù hợp trong Nghị định 68/NĐ-CP về tỷ lệ lấp đầy trong các cụm công nghiệp…