Xây dựng chợ đầu mối nông sản ở Hà Nội: "Mở lối" cho nông nghiệp hàng hóa

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:15, 02/07/2021

(HNM) - Các chợ đầu mối không chỉ là nơi trung chuyển nông sản từ vùng sản xuất ở ngoại thành và các tỉnh, thành phố đến thị trường Hà Nội mà còn giúp truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm… Vai trò là vậy nhưng hiện nay, việc xây dựng mạng lưới chợ đầu mối nông sản ở Hà Nội đang gặp một số vướng mắc cần được tháo gỡ sớm để tạo "lối ra" cho nông nghiệp hàng hóa, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.

Các ngành chức năng của thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng chợ đầu mối để đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa. Trong ảnh: Khách mua hàng tại chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai). Ảnh: Nguyễn Quang

Chưa đáp ứng yêu cầu phát triển

Hà Nội hiện có một số chợ đầu mối nông sản hoạt động khá hiệu quả. Tại chợ đầu mối phía Nam (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai), từ 2h đến 11h hằng ngày là thời điểm những đoàn xe nối dài vận chuyển nông sản về chợ và từ đó tỏa đi khắp nơi trên địa bàn thành phố. Giám đốc Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội) Đỗ Quang Sơn cho biết: Chợ có tổng diện tích 23.400m2, với 468 hộ kinh doanh. Hằng ngày, có khoảng 200-400 tấn hàng hóa luân chuyển qua chợ, chủ yếu từ các huyện Phú Xuyên, Thường Tín (Hà Nội); các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và các tỉnh phía Nam để đưa đi các chợ bán lẻ. Chợ đã phân chia các khu bán hàng như: Khu thực phẩm tươi sống; rau củ quả, đồ khô... và khu vực tập kết xe phục vụ sang chuyển hàng hóa.

Còn chợ đầu mối Minh Khai (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) có quy mô 30.000m2, hiện thu hút gần 1.000 hộ kinh doanh. Mỗi ngày có khoảng 250 tấn nông sản, thực phẩm được vận chuyển đến đây từ một số huyện như: Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Ba Vì, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn và tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, hiện ngoài chợ đầu mối phía Nam và Minh Khai, thành phố còn một số chợ hoạt động mang tính chất đầu mối chuyên kinh doanh các mặt hàng nông sản như: Long Biên, Bắc Thăng Long, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Vỹ... Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống chợ này còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trong đó có thể kể đến là quy mô nhỏ, chưa đảm nhận được chức năng tập trung mối hàng cung cấp cho thị trường Hà Nội; chưa có khả năng điều tiết giá cả thị trường; chợ nằm ở khu vực trung tâm thành phố, không còn quỹ đất mở rộng nên thường xuyên bị quá tải; phần lớn hàng hóa chưa thể truy xuất nguồn gốc… Đáng nói, các chợ đầu mối này mới chỉ chủ yếu phân phối hàng hóa cho thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận, chưa đảm nhiệm được chức năng xuất khẩu nông sản ra nước ngoài...

Ngoài ra, theo Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2012), Hà Nội sẽ xây dựng thêm 5 chợ đầu mối nông sản tại các huyện Gia Lâm, Mê Linh, Phú Xuyên, Quốc Oai, Ba Vì, quy mô mỗi chợ lên tới 20-30ha. Đến nay, nhiệm vụ này vẫn chưa thực hiện được. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thành Đô cho biết, theo quy hoạch, huyện được xây dựng chợ đầu mối tại xã Thanh Lâm và Kim Hoa nhưng do vướng về quy hoạch và công tác giải phóng mặt bằng nên chưa triển khai.

Xây dựng hệ thống chợ đầu mối hiện đại

Vận chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình). Ảnh: Minh Sơn

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận định: Phát triển chợ đầu mối sẽ giải quyết được nhiều vấn đề bất cập của nông thôn Hà Nội như bảo vệ môi trường, chuyển dịch cơ cấu lao động, liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm... Đây cũng là các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Còn Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, cần xây dựng chợ đầu mối nông lâm sản tiểu vùng hoặc chuyên ngành theo hướng hiện đại, có các quầy bán hàng, hệ thống kho lạnh bảo quản nông sản; có thể truy xuất nguồn gốc hàng hóa và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin: Hiện nay đã có 3/6 dự án chợ đầu mối nông sản đang được triển khai tại huyện Quốc Oai, Mê Linh và Gia Lâm. Trong đó, tại huyện Gia Lâm, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đồng ý về nguyên tắc cho Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xem xét, chấp thuận về chủ trương để UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại xã Yên Thường.

Thực tế cho thấy, để thúc đẩy tiến độ triển khai xây dựng, đưa các chợ đầu mối nông sản theo hướng hiện đại vào sử dụng còn rất nhiều việc phải làm. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thành Đô kiến nghị, thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng đơn giản hóa các trình tự thủ tục hành chính, tăng cường kêu gọi nhà đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản và hỗ trợ họ về thủ tục. Đồng tình với đề xuất này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho rằng, các cấp, ngành chức năng cần có cơ chế linh hoạt hơn, hỗ trợ nhà đầu tư giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để nghiên cứu, lập dự án; ưu đãi đầu tư như miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện; miễn, giảm tiền thuê đất...

Giải quyết được những vấn đề đang đặt ra mới có thể sớm hình thành mạng lưới chợ đầu mối nông sản hiện đại trên địa bàn Thủ đô, bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, từ đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Mai