“Việt Nam nằm ngoài vành đai động đất Địa Trung Hải - Hymalaya”
Xe++ - Ngày đăng : 08:06, 30/12/2004
- Tại sao lại có động đất, sóng thần ngày 26-12 và vì sao vùng ảnh hưởng lại rộng đến vậy ?
- Trận động đất 8,9 độ rích-te ở Sumatra (In-đô-nê-xi-a) thuộc vành đai động đất Địa Trung Hải - Hymalaya. Đây là sự va chạm giữa hai khối thạch quyển Ấn - Úc và Á - Âu. Quá trình này làm cho phần tiếpxúc bị phá hủy. Lớp vỏtráiđấtbịbiến dạng lớn nên gây ra động đất.
Thảm họa vừa qua là lớn nhất trên vành đai này và có đới phá hủy khoảng 1000km. Khi dưới đáy biển có sự chờm trượt lớn như vậy sẽ gây ra sóng lan truyền trên mặt biển. Sóng này khi ở ngoài khơi không thấy rõ nhưng khi vào bờ, có hiệu ứng “biển nông” nên tạo thành những cột sóng rất cao. Đây chính là sóng thần.
Trận động đất này ảnh hưởng tới Đông Phi do dư chấn sẽ xảy ra trong vùng kéo dài khoảng 3000km dọc theo vành đai động đất. Trong khi đó, ấn Độ Dương hầu như không có đảo nên vùng ảnh hưởng của trận động đất lan tới châu Phi là điều dễ hiểu.
- Trong khi vùng ảnh hưởng của động đất, sóng thần rất mạnh, thì phía Nam Việt Nam nằm không xa tâm chấn lại không bị ảnh hưởng ?
- Vành đai động đất nói trên chạy dài từ Địa Trung Hải, qua Trung Á, Thiên Sơn, dãy Hymalaya, Mi-an-ma, xuống phía Nam và ôm lấy quần đảo In-đô-nê-xi-a. Đây là một trong hai vành đai động đất lớn nhất hành tinh (cùng với vành đai Thái Bình Dương chạy dọc châu Mỹ, qua vùng Cam-chát-ka (Nga), Nhật Bản, Đài Loan, Phi-líp-pin - PV). Việt Nam cách tâm chấn hơn 1000km từ điểm gần nhất, không chịu ảnh hưởng chấn động của trận động đất này. Dư chấn cũng không xảy ra ở đây. Sóng thần gây ra bởi trận động đất này cũng không ảnh hưởng đến vùng biển Việt Nam bởi đã bị chắn bởi Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a.
Trong hoạt động động đất nói chung, Việt Nam không nằm trong vành đai nào cả. Cách mỗi vành đai khoảng 1000km nên động đất ở nước ta không mạnh nhưng là vùng chịu ảnh hưởng bởi vận động của nó. Vì vậy ở Việt Nam, động đất có khả năng xảy ra nhưng vào loại trung bình - yếu.
- Hệ thống các cơ sở nghiên cứu về động đất ở Việt Nam và khu vực hiện ra sao, thưa giáo sư ?
- Mạng lưới quan trắc động đất của Việt Nam gồm có 26 trạm ghi địa chấn chu kỳ ngắn, giới hạn trong vòng 800km và 6 trạm dải rộng ghi động đất toàn cầu. Thiết bị của ta không xác định nhanh được vị trí chính xác của trận động đất, thường phải mất nhiều tiếng.
Các nước và vùng lãnh thổ xung quanh ta như Đài Loan, Nhật Bản, Phi-líp-pin... Có hệ thống cảnh báo nhanh. Sau 2 phút, họ có thể xác định được vị trí và các thông số về trận động đất. Điều này giúp ích rất nhiều cho việc ngăn ngừa các hậu quả có thể xảy ra. Sóng thần hoàn toàn có thể cảnh báo được khi căn cứ vào thông số các trận động đất trên biển. Sóng địa chấn có vận tốc trung bình 6km/s trong khi ở sóng thần chỉ là 200m/s. Nếu các nước nằm trên vành đai Địa Trung Hải - Hymalaya có hệ thống cảnh báo sớm như các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương thì Xri Lan-ca, ấn Độ, Băng-la-đét, Man-đi-vơ... hoàn toàn có thể cảnh báo được sóng thần, ngăn ngừa thảm họa.
- Qua nghiên cứu, Hà Nội cũng nằm trong vùng bị ảnh hưởng của động đất. GS có ý kiến gì về thông tin này ?
- Chạy qua Hà Nội hiện có 2 dải đứt gãy lớn là đứt gãy sông Hồng và sông Chảy. Chúng chạy song song nhau và cách nhau từ 17-20km. Đứt gãy sông Hồng ở phía Tây thành phố và đứt gãy sông Chảy tính từ khoảng trung tâm thành phố về phía Đông. Đây là 2 đứt gãy được đánh giá là lớn nhất Việt Nam và đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Trên 2 đứt gãy này gần đây đã xảy ra khá nhiều động đất. Cụ thể là tại Lục Yên (Bắc Giang) trong 2 năm liên tục 1953, 1954 với cường độ 5,4 độ rích-te và tại Yên Lạc (Vĩnh Phúc) năm 1958 mạnh 5,3 độ rích-te...
Theo tài liệu lịch sử, ở Hà Nội đã xảy ra các trận động đất mạnh từ 5,1 đến 5,5 độ rích-te vào các năm 1276, 1278 và 1285. Theo quan sát, gần đây Hà Nội không có trận động đất nào đáng kể. Tuy nhiên do Hà Nội nằm trên 2 dải đứt gãy nên cũng cần được nghiên cứu kỹ hơn. Chu kỳ lặp lại của các trận động đất trên là khoảng 1000 năm. Như vậy, chúng ta đã ở khoảng năm thứ 700 trong chu kỳ ấy. Nếu như có nhiều trạm quan trắc hơn nữa ở Hà Nội, chúng ta có thể dự báo động đất kịp thời.
- Hiện nay, người dân Việt Nam hầu như chưa hiểu biết mấy về động đất và phương pháp giảm nhẹ thiệt hại do động đất gây ra. GS có lời khuyên gì cho họ ?
- Năm 1996, Viện Vật lý địa cầu đã có cảnh báo với lãnh đạo tỉnh Lai Châu cũ là cần thông tin rộng rãi về cách thiết kế, xây nhà để chống động đất tới người dân. Rất tiếc là cảnh báo này không được áp dụng nên trận động đất năm 2001, xảy ra cách thành phố Điện Biên 15km nhưng đã làm cho các công trình nhà ở của người dân khu vực này đều bị ảnh hưởng.
ở cấp toàn quốc, Viện Vật lý địa cầu đãhoàn thành bản đồ động đất và đưa ra các giải pháp chống động đất khi người dân xây nhà. Chúng tôi mong rằng thời gian tới Nhà nước sẽ xem xét vấn đề này... Hiện trên thế giới, chống động đất hiệu quả nhất vẫn là xây dựng các công trình kháng chấn, giúp giảm thiệt hại về người và của.
- Xin cảm ơn giáo sư.
HNM