Nhu cầu bức thiết

Giải trí - Ngày đăng : 18:31, 03/07/2021

(HNMCT) - Một trong những giải pháp chung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có điện ảnh, là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực. Nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp điện ảnh đang là nhu cầu bức thiết để hướng tới mục tiêu doanh thu đến năm 2030 đạt khoảng 250 triệu USD/năm, trong đó phim Việt Nam chiếm một nửa, tức 125 triệu USD. Xung quanh vấn đề này, Hànộimới Cuối tuần đã ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã:
Công tác đào tạo chưa có chiến lược bài bản

Lực lượng làm phim trẻ hiện nay khá đông đảo. Hai trung tâm đào tạo chính quy, cơ bản nhất là Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội và Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đều có những người thành danh, lực lượng kế tiếp khá nhiều.

Tuy nhiên, có thể thấy công tác đào tạo chưa có một chiến lược bài bản. Đào tạo đại trà chứ chưa phải mũi nhọn, vì thế chúng ta thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu như Nhà nước không thiết lập một chiến lược để điện ảnh có thể phát triển một cách cân bằng thì những người có năng lực sẽ hướng theo điện ảnh thị trường. Nhân lực dành cho dòng phim chủ lưu (phim Nhà nước) cần được đào tạo về tư tưởng, triết học, chính trị và nhiều lĩnh vực khác để có thể ra đời những dự án có giá trị, thể hiện tinh thần dân tộc.

Sự tự phát, thả nổi thể hiện rõ hơn đối với mảng nhân lực biên kịch. Các em được đào tạo những nội dung thiên về kỹ thuật, còn về tính tư tưởng cũng như trách nhiệm của người nghệ sĩ thì không được nhiều. Đào tạo nhân lực cho ngành biên kịch đòi hỏi phải cẩn trọng, toàn diện hơn, đồng thời phải có trọng tâm. Điều này đỏi hỏi tầm nhìn, tạo ra nguyên tắc đào tạo là phải có sự liên kết giữa các bộ môn. Bên cạnh đó, đào tạo phải gắn với sử dụng nhân lực. Nếu đào tạo tốt mà sử dụng không tốt thì cũng vô ích.

Nghệ sĩ Nhân dân Lý Thái Dũng:
Quy định không phù hợp sẽ kìm hãm phát triển nhân lực điện ảnh

Xét về mặt lý thuyết, các sinh viên chuyên ngành điện ảnh, truyền hình khi tốt nghiệp đều phải đạt chuẩn đầu ra. Còn việc đánh giá họ là cả quá trình dài, bao gồm kiến thức lý thuyết lẫn thực tế, với khung chương trình đào tạo được thiết kế cho phù hợp với từng thời điểm, phù hợp với nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Trong phạm vi của khoa Điện ảnh, khoa Truyền hình hoặc văn bằng 2 đào tạo Đạo diễn điện ảnh thuộc Đại học Sân khấu - Điện ảnh, tôi thấy chuẩn đầu ra tương đối ổn. Ví dụ với ngành quay phim, các sinh viên sau khi ra trường, làm việc cho bất kỳ công ty nào, tư nhân hay nhà nước, đài truyền hình... đều có thể sử dụng thành thạo các loại máy quay - từ loại cổ điển (máy quay phim nhựa) đến các loại máy quay kỹ thuật số mới nhất. Họ cũng có sự hiểu biết về quy trình sản xuất, từ lúc bắt đầu cho đến khi phim được phát hành tại rạp chiếu phim, kênh truyền hình hay bất cứ kênh phát hành nào. Họ sử dụng thành thạo ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh.

Tất nhiên, môi trường đào tạo nào cũng có những khó khăn riêng. Chuyên ngành điện ảnh luôn thiếu giảng viên vì những lý do khách quan. Theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giảng viên phải có bằng Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ. Trong khi đó, chương trình đào tạo điện ảnh lại có nhiều môn chuyên ngành, cơ sở ngành. Với môn cơ sở ngành, chúng tôi rất muốn mời các kỹ thuật viên về giảng dạy (kỹ thuật dựng phim, kỹ thuật máy quay, kỹ thuật ánh sáng). Họ có thể là những người không có bằng cấp theo quy định nhưng lại giàu kinh nghiệm. Họ hành nghề khắp nơi, trải nghiệm bằng thực tế cuộc đời. Không phải người làm phim nào cũng có thời gian đi học Thạc sĩ, Tiến sĩ.

Tôi nghĩ rằng, đối với một người làm nghề, thời gian trải nghiệm thực tiễn, thu nạp kiến thức cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp để truyền nghề cho thế hệ trẻ quan trọng hơn việc đi học Thạc sĩ, Tiến sĩ. Chức danh, học vị hay chứng chỉ phù hợp với những người làm quản lý giáo dục và giảng dạy bộ môn kiến thức cơ bản. Còn thực tế trải nghiệm nghề thì khó có ai bằng những người làm việc lâu năm, có danh hiệu.

Như vậy, có thể thấy còn có những quy định không phù hợp, thậm chí nếu về lâu dài sẽ kìm hãm sự phát triển việc đào tạo nhân lực cho ngành điện ảnh nói riêng. Trong khi đó, điện ảnh lại là một trong những lĩnh vực quan trọng cần được ưu tiên phát triển hiện nay.

Đạo diễn Phan Đăng Di:
Giao lưu quốc tế đem lại nhiều cơ hội cho các nhà làm phim

“Gặp gỡ mùa thu” là hoạt động điện ảnh quốc tế thường niên, do những người làm phim như tôi, Trần Bích Ngọc, Nguyễn Thanh Bình đứng ra tổ chức, với mong muốn giúp đỡ các nhà làm phim trẻ ở bước đầu sự nghiệp có cơ hội làm việc với các bậc thầy ở nước ngoài và Việt Nam.

Khởi đầu chỉ là một lớp học đạo diễn, do đạo diễn Trần Anh Hùng dẫn dắt, gồm 12 nhà làm phim trẻ Việt Nam. Từ một workshop, chúng tôi mở rộng ra các lớp học về quay phim, sản xuất phim, diễn xuất, thiết kế mỹ thuật, dựng phim, chỉnh màu... với sự phối hợp của các trường đại học uy tín tại một số nước trên thế giới. Chúng tôi không chỉ có học viên trong nước mà có cả những học viên đến từ các nước Đông Nam Á, một số đến từ châu Âu. Kết quả của các kỳ “Gặp gỡ mùa thu” là học viên đã có những tác phẩm đến được các liên hoan phim hàng đầu thế giới như Liên hoan phim Berlin, Liên hoan phim Venice... Sau 7 năm, chúng tôi nhận ra rằng hoạt động “Gặp gỡ mùa thu” thực sự hữu ích và đem lại nhiều cơ hội cho các nhà làm phim, là diễn đàn để mọi người trao đổi cơ hội và tình yêu điện ảnh, tiếp cận với những liên hoan phim hàng đầu thế giới.

So với trước đây, các bạn trẻ bây giờ có lợi thế về ngoại ngữ. Thế giới mở ra trước mắt và các em có thể tự quyết định con đường đi cho mình, dựa trên năng lực. Nhà nước cũng đã có những chính sách nhất định để tạo cho các em cơ hội không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Các nhà làm phim trẻ ở nước ta đang có điều kiện tiếp cận với hệ thống làm phim quốc tế một cách thường xuyên. Tất nhiên, để thực sự tạo ra thế hệ nhà làm phim có tiếng nói quan trọng, định hình hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế thì không thể thiếu những chính sách, tính toán khôn ngoan trong việc đầu tư cho tài năng.

Mai Đình