Biện pháp kép tránh bị lừa đảo qua điện thoại
Đời sống - Ngày đăng : 07:53, 03/07/2021
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, anh N.V.M (nhà ở phố Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân) cho biết, mới đây anh nhận được cuộc gọi từ số máy 84 906.077.811, tự xưng là Tổng đài cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội thông báo có biên lai “phạt nguội” do anh có lỗi vi phạm giao thông. “Họ có vẻ đánh trúng tâm lý người đi ô tô nhiều khi vô tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng tôi biết, nếu vi phạm cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo bằng văn bản, chứ không thông báo qua điện thoại. Tôi biết đây là cuộc gọi lừa đảo nên cúp máy”, anh N.V.M kể lại.
Một khách hàng tên Tr.M.H (quận Tây Hồ) cho biết, đầu tháng 6-2021 đã nhận được điện thoại gọi đến số máy cố định, tự giới thiệu là nhân viên của điện lực Hà Nội. Người này nói ông H. nợ gần 60 triệu đồng tiền điện và yêu cầu thanh toán nếu không sẽ bị cắt điện. “Khi tôi nói đã trả tiền đầy đủ và ngạc nhiên với khoản nợ gần 60 triệu đồng, đầu dây bên kia cung cấp một mã số công tơ và địa chỉ lắp đặt tại số 43 ngách 32 Lạc Long Quân (quận Tây Hồ). Họ nói có thể chứng minh nhân dân của tôi đã bị lợi dụng để đăng ký lắp đặt công tơ điện và hướng dẫn bấm số 9 để báo giải quyết. Tôi nghi ngờ lừa đảo nên dập máy...", khách hàng Tr.M.H kể.
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), riêng trong tháng 5-2021, hệ thống kỹ thuật của NCSC đã ghi nhận 79.215 trang giả mạo để lừa đảo người dùng; hàng nghìn người dân phản ánh liên quan đến thông tin giả mạo khi thực hiện giao dịch trên mạng internet. Trước đó, trong tháng 3-2021 dư luận phản ánh hàng loạt vụ gửi tin nhắn mạo danh tiêu đề (brandname) ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản người dùng…
Có thể thấy, “kịch bản” quen thuộc mà các đối tượng sử dụng là gọi điện thông báo nợ cước viễn thông, yêu cầu đổi sim điện thoại, thông báo nhận hàng gửi qua bưu điện… Các cuộc gọi này thường xuất phát từ tổng đài nước ngoài gọi về Việt Nam qua giao thức kết nối internet (VoIP), nên việc xác minh, điều tra không đơn giản.
Về giải pháp kỹ thuật, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) cho biết, nhà mạng đã chủ động phân loại, chặn các cuộc gọi đến từ các đầu số quốc tế có dấu hiệu lừa đảo; thường xuyên cập nhật các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn cuộc gọi giả mạo. Tuy nhiên, quan trọng nhất là khách hàng tuyệt đối không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, đặc biệt là mật khẩu tài khoản cá nhân ATM... Thực tế, các cơ quan, đơn vị chức năng như Bộ Công an, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các ngân hàng cũng đã ra thông báo cảnh báo người dân, khách hàng cần cảnh giác với hành vi lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn, e-mail giả mạo.
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), không chỉ điện lực, nhiều lĩnh vực khác cũng có thể sẽ gặp phải những tình huống giả mạo qua số điện thoại. Vì vậy, ngày 11-6 vừa qua, NCSC đã ra mắt Hệ sinh thái Tín nhiệm mạng (https://tinnhiemmang.vn) cung cấp các chứng nhận tín nhiệm giúp người dùng nhận biết nhanh, chính xác các tổ chức, website, hệ thống và thiết bị tin cậy ngăn ngừa các cuộc tấn công lừa đảo, tạo dựng niềm tin số cho người dùng khi sử dụng dịch vụ trên không gian mạng. Chẳng hạn, với trường hợp giả mạo các số điện thoại của ngành Điện lực, người dùng chỉ cần truy cập vào địa chỉ https://tinnhiemmang.vn là có thể xác thực được số điện thoại đang liên hệ có phải là của các đơn vị thuộc EVN hay không.
“Việc thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp bị giả mạo để lừa đảo người dùng ngày càng phổ biến nên NCSC ra mắt hệ sinh thái này. Chúng tôi hy vọng việc ra đời hệ sinh thái Tín nhiệm mạng sẽ hạn chế được tình trạng người dùng bị lừa đảo như hiện nay”, Giám đốc NCSC Trần Quang Hưng cho biết.