Phát triển thị trường bền vững
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 05/07/2021
Trong khi đó, gỗ và chế biến gỗ, cùng với cao su, chè, rau quả... cũng là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 vượt kế hoạch đề ra: Đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong muôn vàn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, thành quả này là tín hiệu đáng mừng từ sự nỗ lực vượt khó của toàn ngành Nông nghiệp và các địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã. Cùng với công tác chỉ đạo sản xuất, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng thúc đẩy đàm phán, mở rộng thị trường và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta đã ký kết trong thời gian qua. Bên cạnh đó, nhờ sự chủ động từ sớm nên dù đối mặt với nhiều khó khăn, ngành Nông nghiệp vẫn có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Những kết quả tích cực trên là cơ sở, động lực để ngành Nông nghiệp hướng đến mục tiêu hoàn thành kế hoạch tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 45 tỷ USD. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành liên quan, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã cần xây dựng, triển khai những kế hoạch, tầm nhìn dài hơi, tạo bứt phá mạnh hơn nữa.
Theo đó, cơ hội xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ rộng mở nếu có thêm những cú hích từ cơ chế, chính sách. Đặc biệt, bản thân ngành Nông nghiệp phải xác định cho được những sản phẩm và thị trường chủ lực, từ đó tập trung nguồn lực thỏa đáng để tiếp tục “khoan phá”. Cùng với đó, tăng chất lượng phân tích, đánh giá, dự báo cung - cầu…, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã có kế hoạch sản xuất linh hoạt, dựa trên tín hiệu thị trường, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường trên toàn thế giới.
Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần sớm nắm bắt việc áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch của các nước để cập nhật cho doanh nghiệp và các đơn vị liên quan. Mặt khác, cần khôn khéo và kiên quyết “đấu tranh” với các rào cản kỹ thuật, thương mại bất hợp lý; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, có chiến lược tiếp thị sâu rộng đến những thị trường mà nông sản Việt Nam chiếm ưu thế. Đồng thời, có giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội chợ, triển lãm, tìm kiếm đối tác…
Về phía các chính quyền địa phương, cần “làm cầu nối” để triển khai ứng dụng công nghệ, gia tăng năng lực cạnh tranh cho nông, lâm, thủy sản - đặc biệt là khâu chế biến; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, kịp thời gỡ khó về quy hoạch vùng sản xuất, mặt bằng, nhân công… cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.
Và, để phát huy, tận dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước, bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa, áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu, cộng đồng các doanh nghiệp, hợp tác xã phải định hình đầu ra cho sản phẩm ngay từ khi xây dựng, triển khai tổ chức sản xuất, để không bị động trước các diễn biến ngày càng khó lường của thị trường.
Triển khai đồng bộ các giải pháp, nông sản Việt sẽ phát triển các thị trường xuất khẩu một cách bài bản, bền vững, đóng góp tích cực vào công tác xuất khẩu hàng hóa của cả nước.