Cách xử lý vết muỗi đốt
Xã hội - Ngày đăng : 07:28, 05/07/2021
Theo nghiên cứu khoa học, khi nọc độc của muỗi vào cơ thể sẽ khiến máu không đông để chúng dễ dàng hút máu. Lúc này, cơ thể con người sẽ gửi đi các kháng thể để chống các chất dịch của muỗi, gây nên phản ứng miễn dịch dẫn đến tình trạng sưng và đỏ trên làn da. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ, hệ miễn dịch còn yếu và chưa phát triển hoàn thiện, làn da còn nhạy cảm nên các phản ứng miễn dịch càng mạnh mẽ hơn. Khiến vết muỗi đốt càng sưng tấy và đau nhức khó chịu...
Do đó, sau khi bị muỗi đốt, chúng ta cần có phản ứng nhanh ngay tại chỗ bằng các cách sau để bản thân đỡ cảm thấy khó chịu. Cụ thể, lấy viên đá lạnh chườm vào vết muỗi đốt sẽ giúp bớt ngứa ngáy, giảm sưng tấy. Hoặc thái một lát quả chanh xoa lên vết muỗi đốt sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc chống viêm, sưng vì chanh có tính sát khuẩn cao. Dùng một lượng nhỏ kem đánh răng bôi vào vết muỗi đốt cũng có thể xoa dịu sự ngứa ngáy và giảm sưng vì trong kem đánh răng có chứa một lượng chất sát khuẩn. Ngoài ra, những bà mẹ đang trong thời gian cho con bú có thể vắt sữa rồi bôi lên vết muỗi đốt, giúp làm dịu và giảm sưng tấy vì trong sữa mẹ có nhiều vitamin E.
Muỗi đốt, ngoài gây ngứa ngáy khó chịu, nổi mẩn còn có thể làm lây nhiễm một số bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, vi rút Zika… Do vậy, để phòng tránh bị muỗi đốt, chúng ta cần vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, mắc màn khi đi ngủ, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, vật dụng đọng nước… để muỗi không có nơi trú ngụ, đẻ trứng. Có thể trồng cây thảo dược trong nhà hoặc sử dụng tinh dầu chanh, sả, bạc hà để chống muỗi.