Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học, công nghệ
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:38, 06/07/2021
Quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 93 doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong tổng số 538 doanh nghiệp khoa học và công nghệ của cả nước, đứng thứ 2 sau thành phố Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Hà Nội chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin - truyền thông, công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, y tế, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ bảo vệ môi trường...
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, thành phố luôn quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ thông qua các chương trình, kế hoạch thực hiện các biện pháp phát triển… Nhờ vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm; chủ động nghiên cứu để tạo ra các giống, sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao. Hiện tại, có 3 doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Công ty TNHH Công nghệ phát triển nông nghiệp xanh, Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ thương mại Lạc Trung và Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội) được hỗ trợ kinh phí để đa dạng hóa sản phẩm hoặc đổi mới, phát triển công nghệ, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông Lê Nam Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội cho biết, việc đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại như các dây chuyền sản xuất ống uống, vỏ nang cứng, viên nang mềm… đã đem tới những sản phẩm thuốc chất lượng cao phục vụ cộng đồng. Thời gian tới, công ty tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, áp dụng các công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, bắt kịp với xu hướng phát triển trên thế giới, nhằm đem đến cho khách hàng, người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng tốt, giá thành hợp lý nhất.
Tiếp tục tạo điều kiện phát triển
Kế hoạch số 49/KH-UBND về việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025 đã đi được 1/5 chặng đường. Bên cạnh những nỗ lực đáng ghi nhận, thì cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ vẫn còn nhiều bất cập, cần bổ khuyết.
Theo bà Lê Thanh Hiếu, Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội), hiện số doanh nghiệp được hỗ trợ thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn khá khiêm tốn. Trong số 93 doanh nghiệp đã được chứng nhận, chưa có doanh nghiệp khoa học và công nghệ nào hình thành được cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp; chưa có doanh nghiệp khoa học và công nghệ nào có sản phẩm hình thành từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố. Đặc biệt, số doanh nghiệp có doanh thu trên 100 tỷ đồng còn ít...
Còn theo ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ là vốn, vì không thể mang tài sản trí tuệ ra thế chấp ngân hàng. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn có cơ chế tháo gỡ cũng như tạo điều kiện để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tạo ra sản phẩm mới chất lượng.
Là đơn vị chủ trì, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Sở đã đề xuất UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các nội dung công việc được giao tại Kế hoạch số 49/KH-UBND. Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội sẽ lồng ghép việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong triển khai kế hoạch hằng năm thực hiện “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025”. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu UBND thành phố bố trí quỹ đất, xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ cho thuê đất đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Cùng với đó, doanh nghiệp khoa học và công nghệ cần được thụ hưởng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và các chính sách thuế khác có liên quan theo quy định.
Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng cho rằng, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố cần hoàn thiện hành lang pháp lý làm căn cứ hướng dẫn doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiếp cận, vay vốn với lãi suất ưu đãi và bảo lãnh tín dụng; tổ chức hội nghị xúc tiến hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, các lĩnh vực khác từ nguồn vốn quỹ đang quản lý...
Hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành, Hà Nội sẽ đạt mục tiêu đến năm 2025 có 200 doanh nghiệp khoa học và công nghệ.