Khẩn trương đưa gói hỗ trợ an sinh xã hội đến với các đối tượng thụ hưởng

Đời sống - Ngày đăng : 19:12, 07/07/2021

(HNMO) - “Khẩn trương đưa gói hỗ trợ an sinh xã hội hơn 26.000 tỷ đồng đến với các đối tượng thụ hưởng. Việc này dù khó cũng phải quyết tâm thực hiện cho đúng và trúng...”. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại buổi họp báo công bố Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ cùng nội dung này. Cuộc họp báo diễn ra chiều 7-7 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (ở giữa) yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương đưa gói hỗ trợ an sinh xã hội đến với đối tượng thụ hưởng.

Cắt giảm thủ tục, rút ngắn tối đa thời gian

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết số 68/NQ-CP) gồm 12 chính sách, hướng đến mục tiêu ổn định đời sống, duy trì việc làm cho người lao động thông qua việc nới lỏng các điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Còn người lao động, tùy từng đối tượng, họ có thể được hỗ trợ nguồn lực trước mắt, hoặc được tạo điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Để chính sách sớm đi vào đời sống, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg gồm 11 chương, 46 điều, quy định chi tiết 12 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo hướng giảm bớt nhiều điều kiện, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đối tượng tiếp cận, thụ hưởng chính sách trong thời gian sớm nhất.

Thông tin thêm về các chính sách, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hộiĐào Ngọc Dung cho biết, theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, thời gian xét duyệt hồ sơ đề nghị vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết chế độ chính sách đối với người lao động, đề nghị tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất tối đa là 5 đến 7 ngày (năm 2020 tối đa là từ 25 đến 30 ngày). Thậm chí, thời gian tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với một số nhóm đối tượng chỉ từ 1 đến 2 ngày.

Tinh thần là thủ tục nào không bắt buộc thì bỏ, vừa làm vừa điều chỉnh, vướng đến đâu gỡ đến đó, linh hoạt theo thực tiễn, đề cao vai trò giám sát của các cơ quan chức năng, tăng cường hậu kiểm, tuyệt đối không để người dân phải chờ đợi lâu.

“Hiện nay, người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 đang mong ngóng từng ngày được tiếp cận với gói hỗ trợ an sinh xã hội. Do đó, cơ quan, đơn vị, địa phương nào chậm triển khai hỗ trợ là có lỗi với dân, với người lao động; tổ chức, cá nhân nào lạm dụng, trục lợi chính sách là có tội với nhân dân, với người lao động”, ông Đào Ngọc Dung nói.

Các địa phương tự quyết định mức hỗ trợ cho nhóm lao động tự do

Trả lời đại diện các cơ quan truyền thông về hướng triển khai cho nhóm lao động tự do, người đứng đầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, mức hỗ trợ đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác do địa phương chi ngân sách, xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ. Chính phủ chỉ quy định mức sàn hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày, căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Tuy nhiên, với tinh thần đưa nguồn lực nhanh nhất đến với đối tượng thụ hưởng, việc khoanh vùng đối tượng lao động tự do năm nay sẽ được triển khai linh hoạt. Với nhóm lao động tạm trú, thường xuyên di biến động, các địa phương không cần về nơi cư trú để xác minh thông tin. Thay vào đó, cần hỗ trợ linh hoạt.

Trong một tỉnh, thành phố, các quận, huyện, thị xã liên thông dữ liệu thông tin về đối tượng thụ hưởng, bảo đảm một người không thể cùng lúc nhận kinh phí hỗ trợ ở nhiều nơi. Trong trường hợp người lao động biến động từ tỉnh này về tỉnh khác, thì mức hỗ trợ sẽ tính theo số ngày thực tế ở địa phương đó.

Chẳng hạn, một người lao động đủ điều kiện được hỗ trợ, họ ở thành phố Hồ Chí Minh 10 ngày, thì sẽ nhận mức hỗ trợ 10 ngày đó tại thành phố Hồ Chí Minh; sau đó, họ di chuyển về tỉnh Bến Tre, thì nếu khu vực họ về tại tỉnh Bến Tre bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người lao động sẽ tiếp tục được hỗ trợ trong thời gian còn lại; còn nếu khu vực họ về không có dịch Covid-19, họ sẽ chỉ nhận được hỗ trợ ở thành phố Hồ Chí Minh.

Về chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, trong thời gian được hỗ trợ giảm đóng, tất cả người lao động vẫn được thụ hưởng đầy đủ chính sách. Người sử dụng lao động sử dụng toàn bộ số tiền này để hỗ trợ cho người lao động. Người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đang đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng chính sách. Còn lực lượng vũ trang, người hưởng lương từ ngân sách không thuộc đối tượng được hưởng.

Đối tượng thuộc diện F0, F1, dù là người lớn hay trẻ em đều được hưởng tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày, tối đa 21 ngày. Còn chi phí điều trị tính ngày điều trị thực tế, tối đa 45 ngày. Trẻ em, phụ nữ mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Đối tượng này áp dụng cho cả người ngưng việc, người tạm hoãn hợp đồng lao động, người đang cách ly.

Trước băn khoăn của dư luận về hỗ trợ cho nghệ sĩ hạng 4, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đây là những người có thu nhập rất thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê sơ bộ, cả nước chỉ có khoảng dưới 2.000 người đủ điều kiện được hỗ trợ.

Còn với đối tượng là hướng dẫn viên du lịch, chỉ có một số người bị ảnh hưởng sâu, cuộc sống khó khăn mới được trợ giúp, không phải tất cả 26.000 người đã được cấp thẻ hướng dẫn viên đều được trợ giúp.  

Chi hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 năm 2020 tại quận Long Biên.

Sẵn sàng đưa chính sách vào cuộc sống

Để tiếp nhận thông tin phản ánh liên quan đến gói hỗ trợ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thiết lập 3 số điện thoại đường dây nóng tại Văn phòng, Thanh tra Bộ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và phân công cán bộ trực, báo cáo thường xuyên.

Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sớm triển khai các nội dung thuộc trách nhiệm của ngành. Đến thời điểm này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động (chính sách thứ 3 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP). Theo đó, người lao động tham gia đào tạo nghề được hỗ trợ kinh phí tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng, thời gian tối đa 6 tháng.

Liên quan đến nguồn vốn cho vay, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Huỳnh Văn Thuận thông tin, ngay trong ngày 8-7, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam sẽ xây dựng hướng dẫn chi tiết và tổ chức tập huấn đến toàn bộ đội ngũ cán bộ, nhân viên liên quan.

Theo đó, từ ngày 9-7, người sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội để vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống, việc làm cho người lao động.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cũng cho hay, hệ thống cơ quan bảo hiểm xã hội đã sẵn sàng triển khai các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nguồn lực hỗ trợ đã được tính toán, cân đối kỹ lưỡng, bảo đảm an toàn cho các quỹ, tuyệt đối không ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhóm lao động khác....

Đánh giá về gói hỗ trợ an sinh xã hội dành cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) Phạm Hoài Nam kỳ vọng, nguồn lực này sẽ tạo đà để thị trường lao động, việc làm phục hồi tích cực. Vì trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có gần 1,2 triệu người đang thất nghiệp.

Ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của thành phố Hà Nội, cả hệ thống chính trị sẽ vào cuộc để triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội bảo đảm đúng đối tượng, linh hoạt, khả thi.

Trên thực tế, các cơ quan chức năng đã có kinh nghiệm triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động từ năm 2020. Vì thế, có thể tin tưởng rằng, với tinh thần triển khai quyết liệt, khẩn trương, các cơ quan chức năng sẽ đưa nguồn lực hỗ trợ từ gói an sinh xã hội hơn 26.000 tỷ đồng đến đúng người, đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất.

Vũ Minh